22/03/2012 09:53 GMT+7

Ngoại tệ như giấy lộn!

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Thật vậy, khi một VĐV bị chấn thương, đã được cảnh báo là đừng đưa đi tập huấn làm gì tốn tiền nhưng người ta vẫn bất chấp...Người trong làng bơi hết sức bất mãn việc đưa VĐV T.N. tham gia chuyến tập huấn.

Cần giúp Phước vượt qua khó khănĐừng trầm trọng hóa vấn đề của Phước

x6LRWLFJ.jpgPhóng to
Tốn nhiều tiền nhưng liệu Quý Phước có vượt qua “lực cản” từ sự bất đồng của đội tuyển bơi lội?- Ảnh: Tiến Thành

Đã có độc giả gửi email đến chúng tôi để hỏi: một chuyến đi tập huấn tại Mỹ như đội tuyển bơi lội đang thực hiện tốn hết bao nhiêu tiền của Nhà nước (hay nói chính xác hơn là tiền thuế của dân)? Theo thông tin chúng tôi có được, chuyến đi tập huấn tại Mỹ của đội bơi dự kiến sáu tháng tiêu tốn trên 150.000 USD. Chỉ riêng phần Đà Nẵng góp cho trọn suất của HLV Nguyễn Tấn Quảng cùng một phần hỗ trợ Hoàng Quý Phước là hết 750 triệu đồng (gần 36.000 USD).

Trong đó, có một khoản chi mà người trong làng bơi hết sức bất mãn là việc đưa VĐV T.N. tham gia chuyến tập huấn. VĐV này bị chấn thương tại SEA Games 2011 nên đã có rất nhiều lời khuyên gửi đến lãnh đạo bộ môn, thậm chí cả lãnh đạo Tổng cục TDTT rằng không nên đưa T.N. vào danh sách đi tập huấn tại Mỹ. Nhưng bất chấp tất cả, người ta vẫn đưa T.N. đi. Kết quả là sau khi đến Mỹ, phía Trường Bolles kiểm tra và thấy VĐV này bị chấn thương nên không nhận. Vì vậy, T.N. phải trở về sau hai tuần ở Mỹ và một số tiền không nhỏ đã bỏ phí vì trường hợp này!

Ngồi điểm lại từng môn, từng chuyến tập huấn hay từng vụ thuê mướn chuyên gia - nói chung là những hoạt động tiêu tốn ngoại tệ mạnh của ngành thể thao - đều thấy hầu hết có vấn đề. Trong những ngày này, chúng tôi nhận được không ít điện thoại từ các cán bộ tâm huyết trong ngành thể thao, cụ thể ở các môn điền kinh, quần vợt, xe đạp, cầu lông, cử tạ, thể dục dụng cụ, bóng bàn, bóng chuyền... đề nghị làm mạnh hơn câu chuyện mất đoàn kết và lãng phí trong thể thao. Ai cũng bảo chuyện của đội tuyển bơi lội là “quen quen” với chuyện ở bộ môn mình đang công tác.

Một người trong bộ môn cầu lông “bật mí”: Các anh có biết vì sao chuyên gia Asep từ chối kéo dài hợp đồng không? Ông ấy quá ngán cách làm việc “ngáng” chân nhau ở VN mình. Thậm chí ông ấy còn biết luôn câu chuyện vui “cua Nhật, cua VN” nữa đấy (chuyện về một anh bắt cua dùng hai cái thùng, một có nắp để đựng cua Nhật vì sợ cua xếp chồng lên nhau, giúp nhau vọt ra khỏi thùng; và một không có nắp để đựng cua VN, vì cứ con nào ngoi lên là bị con khác dùng càng níu xuống - NV)!

Việc lãng phí, xem ngoại tệ như giấy lộn không chỉ có ở các bộ môn đội tuyển quốc gia, mà ngay tại các địa phương cũng không kém. Như ở TP.HCM, đến giờ này “chương trình thế hệ vàng” còn là một nỗi đau khôn nguôi đối với những người tâm huyết. Chương trình này đã tốn hàng trăm ngàn USD nhưng kết quả thu về là con số không. Chín bộ môn tham gia “chương trình thế hệ vàng” đã để lại khá nhiều tai tiếng. Nổi cộm là ở quần vợt, với một số VĐV thuộc diện “CÔCC” cũng có mặt. Đây là một chương trình mà khi khởi động rất ầm ĩ, nhưng kết thúc trong cảnh êm đềm lạ thường. Êm đềm đến độ không ai muốn nhắc đến!

Ông Lê Bửu - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - từng gay gắt lên tiếng về chuyện xem tiền của dân như giấy lộn này từ rất lâu: “Hoặc là không hề có kiểm tra các chương trình, các chuyến tập huấn; hoặc có kiểm tra nhưng chiếu lệ vì sự quen biết với nhau”.

Thế kỷ 21 đã bước sang năm thứ 12 và không biết đến bao giờ thể thao nước nhà mới thật sự phát triển?

2dYCR18g.jpgPhóng to

Hoàng Quý Phước (trước) tập luyện tại CLB bơi lặn Đà Nẵng trước khi lên đường đi Mỹ - Ảnh: Tiến Thành

* Ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh rất có lý. “Bỏ một người thì quá dễ nhưng giúp họ vượt qua khó khăn mới là chuyện đáng làm”. Quý Phước rất cần nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía chứ không phải như cách nói của phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT VN Lâm Quang Thành là “nếu không thấy hiệu quả thì đưa về”.

THAI MINH QUÂN

* Ông Xuân Anh nói đúng, Đà Nẵng đã làm được nhiều việc cho Phước. Nếu cứ để các HLV vì nhiều lý do khác nhau (chuyện này từng xảy ra với nhiều đội tuyển khác) mà ảnh hưởng đến VĐV thì theo tôi, Đà Nẵng nên xin VĐV mình về (gửi đi Trung Quốc chẳng hạn, họ cũng có những thầy rất giỏi) để khỏi làm mai một những tài năng.

MINHQUY

* Chúng tôi nghĩ phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành nên chắt lọc thông tin từ hai phía. Trong giai đoạn này không nên tạo áp lực lên Phước. Hãy cố gắng động viên và giúp đỡ Phước vì cậu ấy còn quá trẻ, tương lai còn dài ở phía trước nên chớ nóng vội!

HO QUOC PHONG

* Chỉ dựa vào báo cáo một phía để khẳng định VĐV mắc bệnh ngôi sao thì thiếu khách quan, không công bằng. Thể thao VN cần những con người khách quan, công bằng và dám chịu trách nhiệm trong thi hành công vụ hơn là cục bộ như thế.

TRẦN THANH THẢO

* Cốt lõi của vấn đề là bệnh thành tích. Đà Nẵng bỏ công bồi dưỡng nhân tài, đến khi thi đấu có giải ông này giành quyền huấn luyện ông kia không chịu nhường. Tốt nhất trả Quý Phước về cho Đà Nẵng tự đào tạo.

NGUYENVAN

* Ông phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành không thể nói rằng VĐV Phước “chưa đủ lớn để nhận định câu chuyện của người lớn”. Lẽ ra với kênh thông tin từ VĐV là cơ sở ông tổng cục phó tìm hiểu để giải quyết vấn đề. Đằng này ông chỉ muốn nghe thông tin một chiều từ báo cáo thì e rằng khó giải quyết tận gốc mọi khúc mắc.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên