22/01/2012 12:09 GMT+7

Nhan sắc thể thao

NGUYÊN KHÔI - KHƯƠNG XUÂN - TẤN PHÚC
NGUYÊN KHÔI - KHƯƠNG XUÂN - TẤN PHÚC

TT XUÂN - Trong danh sách 96 chiếc HCV của đoàn thể thao Việt Nam đoạt được tại SEA Games 26, có 42 chiếc do các cô gái mang về. Trên đấu trường thể thao quốc tế, các cô gái Việt Nam rất được trọng thị bởi họ vừa giỏi lại vừa đẹp.

Hương Xuân: dũng mãnh sàn đấu, dịu dàng ngoài đời

90b5R2NC.jpgPhóng to
Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Khi xem nữ võ sĩ pencak silat Trịnh Thị Mùi thi đấu dũng mãnh và đứng trên bục nhận HCV tại SEA Games 22 diễn ra ở Việt Nam năm 2003, cô bé 15 tuổi Nguyễn Hương Xuân thầm nhủ: “Biết bao giờ mình có thể đứng trên bục nhận HCV như chị ấy nhỉ?”.

Không như bao cô gái khác, Hương Xuân từ nhỏ chỉ toàn thích chơi trò mạnh bạo như con trai trong xóm ở Hà Tây (Hà Nội). Đến giữa năm 2004, cô chị cả trong gia đình có hai em trai đã đăng ký học pencak silat ở một lò võ cách nhà 3km. Có cái đích để nhắm đến là ước mơ “được như chị Mùi”, nên Xuân tập rất chăm chỉ và tiến bộ rất nhanh. Năm 2010 Hương Xuân đặt chân vào đội tuyển. Và võ sĩ chưa đến 23 tuổi này (sinh ngày 31-12-1988) đã không làm mọi người phải thất vọng trong kỳ SEA Games lần đầu tiên tham dự khi đánh bại chính đối thủ đến từ nơi khai sinh môn võ pencak silat để đoạt HCV.

Gương mặt cô như đanh lại, ánh mắt nhìn sắc như dao trên sàn đấu, nhưng ngoài đời Xuân là một cô gái xinh đẹp, dễ thương. Hỏi Hương Xuân về hình ảnh trái ngược đó, cô cười: “Đấu võ mà anh…”.

Thu Hà: duyên số với thể thao

cEVti264.jpgPhóng to
Ảnh: CHÍ BẢO

Sinh ra tại thành phố Hải Phòng, lên 6 tuổi (năm 1995), Thu Hà đã bước vào nghiệp thể thao khi được các HLV phát hiện trong một lần tuyển chọn VĐV cho môn thể dục dụng cụ (TDDC) của Hải Phòng. Tập được bốn năm thì bố mẹ không cho tập nữa vì muốn con gái chuyên tâm học văn hóa, sợ thể thao sẽ làm ảnh hưởng tương lai. Yêu TDDC và đã quen với từng bài đi, từng động tác uốn dẻo nên Thu Hà khóc lóc xin bố mẹ cho đi tập TDDC với lời hứa “dù có theo TDDC nhưng vẫn học hành chăm chỉ để đạt kết quả tốt”.

Vì lời hứa với bố mẹ, suốt những năm học phổ thông Thu Hà luôn phấn đấu và là học sinh giỏi toàn diện. Thu Hà đến lớp buổi sáng, chiều đến nhà thi đấu tập, buổi tối lại lao vào học thêm. Năm 2001, aerobic du nhập vào Hải Phòng và ngay lập tức đã hút hồn Thu Hà bởi những động tác vui nhộn, sôi động với âm nhạc. Thu Hà xin chuyển từ TDDC sang aerobic nhưng không được HLV chấp nhận. Năm 2004, Thu Hà thi đỗ vào Trường THPT Trần Nguyên Hãn, một trong những trường có tiếng tại Hải Phòng và chia tay TDDC.

Thế nhưng duyên số với thể thao không để Thu Hà ra đi, cô Oanh - HLV aerobic - đã động viên Hà tập aerobic. “Vì tình yêu thể thao tôi đã bỏ sự nghiệp học hành đang rất thuận lợi để chọn một con đường khó hơn, gian khổ hơn. Những chấn thương gãy tay, lật cổ chân, gãy răng liên tiếp đến khi tôi bước vào tập aerobic” - Thu Hà chia sẻ. Cô chịu nhiều hi sinh để mang về những tấm HCV lấp lánh. 3 HCV giải Cúp thế giới năm 2009, 2011; 2 HCV SEA Games 24, 26 và hàng chục HCV châu lục khác đã đưa Thu Hà trở thành VĐV aerobic nhiều thành tích nhất Việt Nam.

Nhắc đến Tết, Thu Hà chỉ ước gì mình có thời gian ở bên gia đình lúc giao thừa. Hơn 10 năm qua, không năm nào Thu Hà được đón giao thừa cùng bố mẹ bởi cô phải đi diễn.

Mai Hưng: tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu

zMynOKHH.jpgPhóng to
Ảnh: TẤN PHÚC

Nguyễn Thị Mai Hưng gây đình đám trong làng cờ Việt Nam vài năm gần đây. Cô gái 17 tuổi có gương mặt xinh xắn này khiến nhiều ánh mắt của các nam kỳ thủ phải ngoái nhìn! Tuy nhiên, trên bàn cờ thì nhiều đối thủ của cô phải nhíu mày trước những nước đi bí hiểm.

Cô gái đến từ Bắc Giang này sớm bị hút hồn bởi những ván cờ giữa bố và ông ngoại từ khi mới lên 5. Chỉ đứng xem nhưng nhiều lần Mai Hưng khiến người lớn phải giật mình với những lần hiến kế sắc sảo của mình. Tình cờ nghe thấy thông báo tuyển sinh cờ vua trên truyền hình, cô bé 7 tuổi Mai Hưng đã đăng ký thi tuyển.

Sau gần 10 năm chơi cờ, Mai Hưng đã có bộ sưu tập thành tích hơn 70 chức vô địch lớn nhỏ, trong đó có chức vô địch U-16 châu Á, HCB U-16 thế giới năm 2010. Mai Hưng quý nhất là chức vô địch U-14 châu Á năm 2007 ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất bởi chiếc huy chương làm bằng vàng thật trị giá khoảng 10.000 USD.

Để có được thành công hôm nay, Mai Hưng đã phải bỏ ra rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Không khó khăn nào lớn hơn việc cô bé 10 tuổi phải sống tự lập, thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ vì thường xuyên tập trung đội tuyển và tập huấn nước ngoài. Tuy nhiên, niềm đam mê chơi cờ đã chiến thắng tất cả để Mai Hưng vươn đến thành công.

Ngân Thương: sợ nhất là… Tết

2mzGzCbB.jpgPhóng to
Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tám năm qua (2003-2011), nói đến thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam người ta sẽ nhắc đến Ngân Thương, cô gái đã mang về cho môn này 7 HCV SEA Games. 15 năm gắn bó với TDDC, hạnh phúc, khổ đau đã quá nhiều nhưng không làm “búp bê” Ngân Thương mất đi vẻ nhí nhảnh, hồn nhiên vốn có.

Cao 1,46m và luôn duy trì ở mức 39kg trở xuống mới có thể tập luyện và thi đấu được, nên cứ tăng cân là Thương rất sợ. Chính vì vậy, Thương cũng sợ Tết. Đơn giản bởi Tết có quá nhiều món ngon, mà Thương lại có “tâm hồn ăn uống”. Thấy bánh chưng, giò chả, nem… là khó cầm lòng. Nhưng cứ nghĩ đến đoạn trường ra Tết phải khổ luyện để kéo trọng lượng trở về 39kg là Thương sợ phát khiếp!

Mấy năm gần đây TDDC không phải ăn dầm nằm dề ở Trung Quốc tập huấn, nên Thương tiếp tục được đón Tết cùng bố mẹ. Cô nhớ lại những cái Tết xa nhà hồi còn bé tí: “Những năm phải ăn Tết xa nhà, sáng mùng 1 Tết đứa nào cũng khóc ầm ĩ khiến chị Giang HLV phải dỗ dành. Ở trung tâm huấn luyện, các VĐV của Trung Quốc về nhà hết, chỉ còn lại trơ trọi các VĐV Việt Nam, buồn ơi là buồn. Nhưng cũng nhờ những gian khổ, thiệt thòi đó nên mới có Ngân Thương ngày nay” - “búp bê” chia sẻ.

Mai Phương: đầu bếp ngày Tết

V63TQK41.jpgPhóng to
Ảnh: QUỲNH MAI

Nói đến wushu, không ai không biết đến cái tên Nguyễn Mai Phương - hoa khôi của làng thể thao Việt Nam. Tập wushu khi mới 4 tuổi tại Trường mầm non Sao Mai (Hà Nội), bốn năm sau Mai Phương đã có mặt trong đội hình đội wushu Hà Nội tham dự giải wushu trẻ quốc gia. Năm 2003 (13 tuổi), Mai Phương giành HCV thương thuật trẻ châu Á và trở thành một trong những VĐV trẻ tiềm năng nhất của wushu Việt Nam.

21 tuổi đời nhưng đã có đến 17 năm gắn bó với môn võ wushu, cuộc sống với Mai Phương là đao, kiếm nhưng không vì thế mà vẻ xinh đẹp, dịu dàng của cô gái Hà Nội mất đi. Ngoài thời gian tập võ, Mai Phương chơi piano, nấu ăn và chăm sóc em gái. Hết giờ tập, Mai Phương luôn vào bếp nấu ăn giúp đỡ mẹ và bà ngoại. Phương khoe: “Phương thích làm bánh và nhất là nấu ăn. Tết nào Phương cũng cùng bà và mẹ nấu nướng tất bật, có lẽ đó là niềm vui lớn nhất của Phương. Tất cả những món ăn ngày Tết như canh măng, xôi đỗ, nem rán, thịt đông… Phương đều có thể một mình làm được”.

17 năm gắn bó với wushu, Mai Phương đã mang về hơn 20 HCV quốc gia, châu lục, thế giới và cả HCĐ Olympic 2008. Tuy nhiên huy chương quý giá nhất với Mai Phương chính là chiếc HCV trường quyền tại SEA Games 26. Năm 2009 Mai Phương bị chấn thương đứt dây chằng, vỡ sụn gối nên cô đành lỡ hẹn với SEA Games 25. Thế nhưng với nỗ lực tột đỉnh, Mai Phương đã trở lại và mang về chiếc HCV đầu tiên cho mình tại SEA Games. Mai Phương bảo năm nay có lẽ sẽ là cái Tết vui và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của mình.

Hà Thanh: bùng nổ

qpLczCQd.jpgPhóng to
Hà Thanh và bài biểu diễn đem về HCĐ thế giới - Ảnh: AFP

Ở tuổi 20 có thể coi như “toan về già” với bộ môn thể dục dụng cụ (TDDC), vậy mà Phan Thị Hà Thanh lại làm điều ngược lại khi có một năm 2011 cực kỳ bùng nổ về thành tích.

Ở giải VĐTG diễn ra tại Nhật Bản hồi tháng 10, cú xoay người hai vòng trên không trước khi tiếp đất ở bài thi nhảy ngựa đã giúp Hà Thanh giành HCĐ đầu tiên về cho TDDC Việt Nam cùng vé dự Olympic London 2012.

Chỉ hơn một tháng sau đó, tại SEA Games 26 ở Indonesia, Hà Thanh lại tiếp tục gây ấn tượng. Cô gái gốc Hải Phòng này đã đoạt 3 HCV nội dung toàn năng, nhảy ngựa và thể dục tự do để trở thành VĐV đoạt nhiều HCV nhất về cho thể thao Việt Nam. Trong đó, đáng giá nhất vẫn là chiếc HCV toàn năng lần đầu tiên Hà Thanh đoạt được sau ba kỳ tham dự SEA Games.

Để có được thành quả ngày hôm nay, Hà Thanh đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Thể hình Hà Thanh không thuộc loại lý tưởng cho môn TDDC, tố chất lại không bằng đồng đội Đỗ Thị Ngân Thương, nên nếu không có ý chí và sự hi sinh trong tập luyện, cô khó có được năm tuyệt vời như 2011.

Từ số 2 ở đội tuyển TDDC Việt Nam sau Ngân Thương, Hà Thanh đã vươn lên số 1. Nhưng đó vẫn chưa phải là đích nhắm cuối cùng. Hà Thanh đang tích cực tập luyện để có thể giành huy chương ở Olympic London 2012 về cho thể thao Việt Nam.

NGUYÊN KHÔI - KHƯƠNG XUÂN - TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên