29/08/2011 06:07 GMT+7

"Cầu thủ bây giờ thực dụng quá!"

NGUYÊN KHÔI thực hiện
NGUYÊN KHÔI thực hiện

TT - Ông chủ của CLB Vissai Ninh Bình - Hoàng Mạnh Trường đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào bóng đá. Sau bốn năm làm bóng đá, ông đúc kết chẳng thu lợi được gì từ công việc đầu tư này...

kBjaMLLJ.jpgPhóng to

Năm 2009 CLB Vissai Ninh Bình đã phải trả 9 tỉ đồng để có được Việt Thắng (trên) - Ảnh: N.K.

Trong gần bốn năm, bầu Trường vẫn chưa nếm trải được nhiều vị ngọt của thành công dù đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng đầu tư vào bóng đá. Bởi thành tích cao nhất của CLB Vissai Ninh Bình đến giờ chỉ là chức vô địch Giải hạng nhất 2009 và vé thăng hạng V-League 2010. Năm đầu tiên lên chơi ở giải đấu cao nhất của bóng đá VN, Vissai Ninh Bình xếp tận hạng 11, còn mùa giải năm nay đội đứng hạng tư.

* Đến thời điểm này ông đã đầu tư bao nhiêu tiền vào bóng đá?

- Tôi bắt đầu đầu tư vào bóng đá năm 2007, nhưng để chi thật nhiều tiền thì chỉ tính từ năm 2009. Khi đó, để đội vô địch giải hạng nhất và giành quyền thăng hạng, tôi bỏ ra khoảng 60 tỉ đồng chi phí chuyển nhượng cầu thủ, lương thưởng và kinh phí hoạt động của CLB. Còn khi lên chơi ở V-League 2010 đến nay, hai năm qua tôi bỏ ra không dưới 160 tỉ đồng.

* Đầu tư vào bóng đá và chi phí quảng cáo cho thương hiệu thì cái nào tốn tiền hơn?

- Đầu tư vào bóng đá dĩ nhiên tốn nhiều hơn. Nhưng tôi đam mê bóng đá, và quan trọng là đầu tư vào bóng đá thì làm thương hiệu tốt hơn.

* Vậy ông đã thu lợi được gì từ bóng đá?

- Đầu tư vào thương hiệu thì mỗi người có cách làm khác nhau. Cái lợi có được từ bóng đá có khi cũng vô hình lắm. Nhưng nói thật tôi chẳng thu lợi được gì từ bóng đá. Có chăng chỉ là 50-100 triệu đồng thu được khi người ta đặt bảng quảng cáo trên sân nhà.

* Đầu tư vào bóng đá lỗ nhưng người ta vẫn cứ nhảy vào làm. Có phải ông và nhiều ông bầu khác vẫn cứ làm bóng đá vì mục đích khác như xin đất đai, cơ hội làm ăn?

- Tôi không biết các ông bầu khác thế nào. Về cá nhân, tôi đầu tư vào bóng đá thứ nhất là vì thương hiệu. Thứ hai là vì người hâm mộ Ninh Bình. Tôi không phải người dùng bóng đá để đi quan hệ làm ăn, xin đất đai. Tôi không có nhu cầu đó. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình từng muốn hỗ trợ tiền và đất cho Vissai Ninh Bình khi chúng tôi bắt tay vào làm bóng đá nhưng tôi đã từ chối.

* Ông có nghĩ bóng đá VN thu nhập cao nhưng chất lượng thấp không?

- Đó là thực trạng hiện tại của bóng đá VN. Cầu thủ VN thường ít có cái nền (giáo dục) ban đầu, nên họ không hiểu được nỗi khổ của những người làm bóng đá như chúng tôi hiện nay. Chúng tôi đang phải cố gắng chèo chống trong bối cảnh kinh tế suy thoái để tiếp tục đầu tư cho bóng đá. Cầu thủ đá hay được một trận thì tưởng mình là ngôi sao và suy nghĩ trên trời. Cầu thủ giờ cũng thực dụng lắm. Lương chậm một chút là họ lên báo mắng mỏ ngay các ông chủ của mình.

Không có cái nền cơ bản nên cầu thủ ngôi sao dễ bị những tác động ngoài sân cỏ, dẫn đến chất lượng chuyên môn không tốt. Như trong thời gian tới tôi có thể treo giò trung vệ Như Thành ba năm vì anh vắng mặt ở CLB khá nhiều do phải tránh những mối quan hệ phức tạp ngoài sân cỏ.

* Theo ông, bóng đá VN cần phải làm gì để khắc phục điều đó?

- Theo tôi, nên mạnh tay với nạn “cò” cầu thủ đang hoành hành ở bóng đá VN. Các tay “cò” này “bơm” sau hậu trường với cầu thủ này, cầu thủ kia nhằm đẩy giá trị ảo cầu thủ lên để ông bầu buộc phải mua vì không có lựa chọn nào khác. Điều đó khiến cầu thủ hư và lầm tưởng mình có giá trị như thế! Tôi cũng là nạn nhân của “cò”.

Người ta bảo tôi là cầu thủ cần mua có giá như thế, có ông bầu khác muốn mua với giá cao hơn nên mình cần phải bỏ tiền nhiều hơn để sở hữu. Rốt cuộc là tiền chênh lệch vào thẳng túi của họ. Tôi lấy ví dụ cụ thể, Việt Thắng khi về Vissai Ninh Bình năm 2009 với giá 9 tỉ đồng, nhưng anh ta chỉ lấy được 6 tỉ vì 3 tỉ còn lại đã vào túi của “cò”.

NGUYÊN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên