03/07/2011 07:58 GMT+7

Đắng ngắt chuyện Thu Cúc

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Hai lần đoạt HCV SEA Games 22 và 23, HCĐ Giải điền kinh châu Á trong nhà... nhưng giờ đây ở tuổi 30, kỷ lục gia bảy môn phối hợp Nguyễn Thị Thu Cúc đang đối mặt với tương lai bất định...

8gH7Lfs2.jpgPhóng to
Thu Cúc bưng cà phê phục vụ khách - Ảnh: M.T.

5g sáng, Thu Cúc sắp xếp bàn ghế, châm cà phê, trà rồi bưng bê phục vụ khách. 8g giao quán lại cho mẹ trông coi để đến công ty quảng cáo làm thêm. 17g, chị hối hả đến Trung tâm Thể dục thể thao TP Cần Thơ tập luyện. 19g tiếp tục bán quán cà phê và đến 23g mới đi nghỉ...

Vinh quang và cay đắng

Do năm 2011 đội tuyển điền kinh không tập trung huấn luyện nội dung bảy môn phối hợp nên Cúc phải về tập ở TP Cần Thơ. Do em gái làm ăn thất bại và nợ một khoản tiền lớn nên Cúc phải phụ gia đình bằng cách đi làm thêm ở một công ty quảng cáo.

Tai họa tiếp tục ập xuống khi em gái chị bị bệnh mất để lại đứa con 3 tuổi. Em út tốt nghiệp THPT, nếu học tiếp phải lo thêm phần học phí. Cha mẹ đều lớn tuổi lại bị bệnh không thể làm việc nặng. Một mình Cúc phải lo cho năm miệng ăn và số tiền nợ khá lớn mà em gái đã vay.

Trong khi đó từ đầu năm 2011, Cúc chỉ nhận được tiền ăn và tiền công như những VĐV chưa có thành tích. Về tiền chế độ ưu đãi dành cho những VĐV đạt thành tích xuất sắc không được lãnh, lãnh đạo Trung tâm Thể dục thể thao TP Cần Thơ trả lời “đang chờ làm chế độ mới”.

Sau năm tháng hẹn lần hẹn lữa, quá bức xúc, cuối tháng 5 Cúc lên gặp trực tiếp giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Cần Thơ trình bày. Đến lúc đó giám đốc mới gửi công văn yêu cầu trung tâm cho Cúc nhận thêm tiền hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng và được truy lãnh.

Cúc tâm sự điền kinh cho mình nhiều vinh quang nhưng cũng lấy đi nhiều thứ quan trọng. Cũng vì đam mê thể thao, hôn nhân của chị bị đổ vỡ. Ông xã Cúc công tác ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cúc thì mãi theo đội tuyển ở tận Hà Nội. Ông xã muốn Cúc về Phú Quốc lập nghiệp, sớm tối có nhau. Lúc ấy ở độ tuổi 27 sung mãn, nếu nghỉ thi đấu để lo cho gia đình, Cúc cảm thấy tiếc. Chị tự nhủ lòng: “Ráng thi đấu thời gian nữa thôi sẽ lo chu toàn mọi thứ...”.

Nhưng hôn nhân có những điều khắc nghiệt của nó. Thời gian gần gũi bên nhau quá ít, tình cảm vợ chồng cũng dần nhạt phai, đầu năm 2009 họ nói lời chia tay.

Đầu năm 2008, chế độ tiền lương của chị không còn và thay vào đó là thưởng tiền đẳng cấp. Cụ thể kiện tướng sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, HCV giải vô địch quốc gia: 810.000 đồng/tháng, HCB: 670.000 đồng/tháng, HCĐ: 550.000 đồng/tháng...

Cúc tâm sự: “Thu nhập dựa trên thành tích. Thành tích năm nay sẽ được lấy làm tiêu chuẩn để trả cho VĐV năm sau...”. Để có tiền hỗ trợ cao buộc phải có thành tích cao, Cúc phải gồng mình tập luyện. Hậu quả của việc luyện tập quá sức khiến Cúc bị tổn thương cơ đùi sau.

Tại Đại hội TDTT năm 2010, dù bị những cơn đau bụng âm ỉ hành hạ suốt một tháng ròng nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng, dùng ý chí để thi đấu. Chị nói: “Mọi người nhìn vào chỉ thấy màu HCV lấp lánh tôi đoạt được ở đại hội chứ không biết sau đó là những cơn đau, khổ cực như thế nào”.

Mờ mịt tương lai

Chị cho biết: “Hợp đồng bốn năm ký một lần và trong hợp đồng có ghi VĐV phải thi đấu có thành tích. Điều này khiến tôi rất bất an do việc gần như tập chay, không có dụng cụ, chỉ tập hai môn là chạy và nhảy xa. Năm môn khác chỉ nghiền ngẫm lý thuyết mà thôi. Tháng 9 tới dự Giải vô địch quốc gia, kế tiếp tháng 11 là SEA Games 26, tập chay như thế này thì khó mà đạt được phong độ đỉnh cao”.

Với mức thu nhập ít ỏi từ thể thao, 15 năm rong ruổi trên đấu trường, ngoài vô số huy chương, giấy khen trong tay, “nữ hoàng” 30 tuổi này gần như trắng tay ở tương lai. Miếng đất Cúc cất tạm quán cà phê là của bà ngoại và vì hoàn cảnh riêng nên bà ngoại đang kêu bán. Không vốn liếng, không bằng cấp... Cúc rất sợ bởi nếu bà ngoại bán miếng đất, quán cà phê phải dẹp, rồi thi đấu không giữ vững thành tích bị cắt hợp đồng thì đời mình sẽ bấp bênh chứ đừng nói đến chuyện nuôi thêm bốn người thân...

Chị nói trong buồn bã: “Hiện tổng thu nhập được 8 triệu đồng nhưng không biết mình bị cắt hợp đồng lúc nào. Nếu giờ quay lại, tôi sẽ không chọn nghề VĐV bởi nó quá khắc nghiệt!”.

Nói vậy, nhưng trong khi nói chuyện, chị vẫn đau đáu về nghiệp điền kinh đã trót nặng mang. Rằng nếu giải nghệ được địa phương cho đi học tại chức và bố trí làm HLV, Cúc sẽ dốc toàn tâm toàn sức để đào tạo các thế hệ sau bởi hơn ai hết Cúc nếm đủ những vinh quang, khổ nhọc, đắng cay của nghề...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên