21/12/2010 06:39 GMT+7

"Malaysia có cầu thủ ngoại không?"

S.H.
S.H.

TT - Đó là câu hỏi của chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh đặt ngược lại, khi chúng tôi hỏi ông về chuyện “nên hay không nên gọi cầu thủ VN gốc nước ngoài vào đội tuyển quốc gia”...

“Đội tuyển cần cầu thủ nhập tịch”

rzYkSWsF.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Vinh - Ảnh: S.H.

Bóng đá VN có 14 cầu thủ gốc nước ngoài

Tính đến thời điểm này đã có 14 cầu thủ ngoại nhập tịch VN và đang thi đấu tại V-League cùng Giải bóng đá hạng nhất quốc gia. Đó là: Huỳnh Kesley Alves (Xuân Thành Sài Gòn), Nguyễn Hoàng Helio (SLNA), Nguyễn Rogierio (SHB Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Sơn (Quảng Nam), Đoàn Văn Sakda (HAGL), Đoàn Văn Nirut (Navibank Sài Gòn), Đinh Hoàng Max (Hải Phòng), Đinh Hoàng La (Ninh Bình), Lê Hoàng Trần Xi (Ninh Bình), Trần Lê Martyn (Hòa Phát), Trần Lê Issac (Hòa Phát), Hoàng Vissai (Ninh Bình), Phan Văn Santos (Navibank Sài Gòn), Lê Tostao (Thanh Hóa).

Trong số này có hai cầu thủ không hội đủ yếu tố pháp lý để khoác áo tuyển VN, do từng thi đấu cho tuyển Thái Lan là Đoàn Văn Sakda và Đoàn Văn Nirut.

Trong số 12 cầu thủ đủ điều kiện khoác áo tuyển VN, có một số gương mặt đáng chú ý như tiền đạo Huỳnh Kesley, tiền vệ Nguyễn Rogierio, thủ môn Đinh Hoàng La, trung vệ Nguyễn Hoàng Helio.

Sau ý kiến của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ trả lời trên Tuổi Trẻ ngày 20-12 cho rằng: “Đội tuyển cần cầu thủ nhập tịch”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Vinh - một chuyên gia có uy tín trong làng bóng VN.

Ông Vinh đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi ngược về chuyện đội Malaysia. Ông nói: “Malaysia đâu có sử dụng cầu thủ nước ngoài, nhưng họ đã có mặt trong trận chung kết đấy thôi. Vì vậy, theo tôi, câu chuyện đáng quan tâm hiện tại về bóng đá VN sau thất bại ở AFF Suzuki Cup 2010 không phải là nên hay không nên gọi cầu thủ gốc nước ngoài vào đội tuyển”.

* Nhưng trước tiên, chúng tôi muốn biết quan điểm của ông về vấn đề cầu thủ nhập tịch?

- Tôi nhớ ngay sau World Cup 2010, trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tôi đã có một cuộc trò chuyện với các bạn để đánh giá lại World Cup tại Nam Phi. Lúc ấy, tôi đã phân tích về chuyện thế giới bóng đá hiện nay đã mở cửa một cách thoải mái như thế nào.

Tôi từng có thời gian sống và học tập ở Đức nên biết người Đức là dân tộc có lòng tự hào rất cao về dòng giống của mình. Thế mà tại Nam Phi tháng 6 rồi, chúng ta đã chứng kiến một đội Đức có cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, gốc Brazil, gốc Ba Lan...

Vì vậy, theo tôi, trong thế giới hội nhập hôm nay, cho dù chúng ta có muốn đóng cửa cũng khó. Nói riêng trong bóng đá, việc một đội tuyển quốc gia có nhiều cầu thủ nguồn gốc nước ngoài là xu hướng mà anh có muốn cưỡng lại cũng không được.

* Nói như thế có nghĩa là ông đồng tình với việc sử dụng cầu thủ gốc nước ngoài khoác áo đội tuyển. Nhưng như thế có mâu thuẫn với việc ông nhắc lại câu chuyện Malaysia không có cầu thủ gốc nước ngoài?

- Không có gì mâu thuẫn cả. Vấn đề nằm ở chỗ cách chúng ta nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài không giống với các nước. Theo tôi biết, các cầu thủ Đức có nguồn gốc nước ngoài - họ đã sinh sống ở Đức từ nhỏ hoặc chí ít nước Đức cũng giúp họ trưởng thành trong lĩnh vực bóng đá. Trong khi đó ở ta thì sao?

Chúng ta thừa biết việc nhập quốc tịch cho đa số cầu thủ ngoại là vì bệnh thành tích, chạy theo thành tích bằng mọi giá. Việc làm ấy của một số CLB là nhằm lách quy định chỉ được sử dụng ba cầu thủ nước ngoài trên sân. Xin hãy phân biệt rõ việc sử dụng cầu thủ ngoại nhằm góp phần nâng cao trình độ cho cầu thủ VN hoàn toàn khác với chuyện sử dụng cầu thủ ngoại để chạy theo thành tích.

Tóm lại, nói một cách ngắn gọn là tôi ủng hộ việc sử dụng cầu thủ gốc nước ngoài thi đấu cho đội tuyển, nhưng đó phải là những người yêu đất nước VN thật sự, quyết định chọn đất nước này là nơi để cống hiến.

* Ở trên ông có nói câu chuyện đáng quan tâm hiện tại không phải là chuyện đội tuyển cần cầu thủ nhập tịch. Vậy vấn đề ông quan tâm là gì?

- Xin nói một cách thật lòng là tôi không nhằm chỉ trích bất cứ một cá nhân nào, từ ông Calisto đến cầu thủ và cả những người có trách nhiệm ở liên đoàn. Nhưng sau một thất bại như thế, rất cần mổ xẻ thật sự nghiêm túc để rút kinh nghiệm chứ không thể nói chung chung rồi mọi chuyện lại rơi vào quên lãng được.

Năm 2009, chúng ta đã thua Malaysia trong trận chung kết SEA Games, một trận thua không đáng vì ai cũng thấy U-23 VN mạnh hơn. Sau đó cũng mổ xẻ chung chung, chịu trách nhiệm chung chung.

Và lần này, tôi sợ lại như cũ. Tôi lấy ví dụ, ông Calisto là một HLV giỏi, có nhiều đóng góp cho bóng đá VN nhưng đâu phải ông ấy không có sai lầm? Có điều, ai sẽ phân tích, mổ xẻ để ông ấy thấy được một số sai lầm của mình tại AFF Cup lần này nhằm rút kinh nghiệm cho sắp tới?

Hay nữa, V-League hiện nay có thật sự ổn không, hay thỏa mãn với cái gọi là giải vô địch quốc gia hay nhất Đông Nam Á để rồi chẳng cần phải thay đổi gì nữa? Rồi chuyện đào tạo trẻ hiện nay như thế nào, có thể yên tâm cho tương lai không?... Theo tôi, đó mới là những vấn đề cần phải quan tâm sau thất bại ở AFF Suzuki Cup 2010.

____________________

Bình thường và bất thường!

NqvyFZ7b.jpgPhóng to
Tuyển Malaysia không có một cầu thủ gốc ngoại nào nhưng họ đã ăn mừng vào chung kết - Ảnh: S.H.

“Đội tuyển cần cầu thủ nhập tịch” - bài phỏng vấn ông chủ tịch VFF đã khiến thể thao Tuổi Trẻ ngày hôm qua ngập trong làn sóng email của độc giả nêu lên ý kiến của mình về chuyện này. Email gửi đến thấy rất rõ hai luồng ý kiến khá ngang bằng nhau. Một bên ủng hộ việc gọi cầu thủ VN gốc nước ngoài vào đội tuyển và một bên không.

Bên ủng hộ thì dẫn chứng hàng loạt chuyện ở các đội tuyển nổi tiếng thế giới như Đức, Ý, Nhật... đều có cầu thủ gốc nước ngoài cống hiến. Còn phía không ủng hộ thì cho rằng không vui thú gì khi đội tuyển VN có đoạt cúp AFF đi nữa nhưng nhờ công sức của các cầu thủ không biết hát Quốc ca, không biết Bà Trưng - Bà Triệu, Trần Hưng Đạo... là ai thì chẳng thể tự hào như hồi năm 2008.

Thật ra, xem hàng trăm ý kiến của người hâm mộ gửi về, chúng tôi thấy không có mâu thuẫn gì lớn ở đây, mà vấn đề là góc tiếp cận của mọi người không giống nhau nên dẫn đến việc đưa ra kết luận nghe qua thì khác nhau.

Ngay trong tòa soạn Tuổi Trẻ cũng có nhiều ý kiến tưởng chừng trái ngược tương tự. Và chúng tôi đã làm một khảo sát nhỏ như thế này: Với những người không ủng hộ cầu thủ gốc nước ngoài khoác áo đội tuyển, chúng tôi lấy ví dụ rằng nếu có một người nước ngoài đến định cư tại VN, con của người ấy đi học như mọi học sinh VN khác và có năng khiếu chơi bóng giỏi và đã trở thành một cầu thủ bóng đá (giống trường hợp Klose của tuyển Đức). Trong trường hợp ấy nếu khoác áo đội tuyển VN thì sao? Câu trả lời của những người không ủng hộ là: “Nếu thế thì nói làm gì”!

Còn với những người ủng hộ, chúng tôi kể về chuyện đại gia A, đại gia B làm bóng đá, đã lách quy định “chỉ sử dụng ba cầu thủ ngoại trên sân” của VFF bằng cách chi tiền cho cầu thủ ngoại để thuyết phục họ làm đơn xin nhập quốc tịch. Với những trường hợp đó - rất nhiều trong bóng đá VN hiện nay, bạn có ủng hộ họ khoác áo đội tuyển không? Câu trả lời là: “Không”!

Tuyển thủ gốc nước ngoài - một chuyện rất bình thường ở Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Nhật... nhưng tại VN và một số nước Đông Nam Á lại trở nên bất thường. Chung quy cũng tại nhiễm bệnh thành tích quá nặng.

Chuyện cầu thủ nhập tịch ở phương Tây

97Mfs1HI.jpgPhóng to
Klose người Ba Lan nhưng đến Đức từ năm 7 tuổi - Ảnh: Reuters

Sử dụng cầu thủ nhập tịch là một xu thế tồn tại từ nhiều thập niên qua ở nhiều cường quốc bóng đá trên thế giới, đặc biệt trong thế giới hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, truy tìm tài liệu về chuyện này không thấy có kiểu như ở bóng đá VN hay Indonesia, đó là vận động cầu thủ ngoại nhập quốc tịch để tìm kiếm thành tích.

Tại World Cup 2010, đội tuyển Đức đa sắc tộc đã được báo chí, dư luận và chính quyền Đức cũng như giới truyền thông các quốc gia (ngoại trừ Anh) đánh giá rất cao. Khi đó trong thành phần đội tuyển Đức có tới 11 cầu thủ gốc nước ngoài.

Trong đó năm người sinh ra ở nước ngoài và nhập cư vào Đức là Marko Marin (Nam Tư cũ), Lukas Podolski, Miroslav Klose, Piotr Trochowski (Ba Lan) và Cacau (Brazil). Có người theo gia đình đến định cư tại Đức từ nhỏ như Klose (năm 7 tuổi), Cacau mãi đến 18 tuổi mới sang Đức. Tuy nhiên, cho dù có lớn như Cacau thì anh cũng trưởng thành nhờ bóng đá Đức.

Trước Đức, rất nhiều cường quốc bóng đá thế giới đã thành công nhờ các cầu thủ nhập tịch hoặc gốc nước ngoài, điển hình nhất là Pháp. Cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Pháp Zinedine Zidane gốc Algeria nhưng sinh ra tại Marseille! Đội bóng đem về cho nước Pháp danh hiệu vô địch thế giới năm 1998 và vô địch châu Âu năm 2000 có nhiều cầu thủ nhập cư. Hậu vệ Lilian Thuram là người gốc quần đảo Guadeloupe, Marcel Desailly gốc Ghana, Patrick Vieira sinh ra ở Dakar, Senegal, Claude Makélelé sinh ở Kinshasa, Zaire. Tuy nhiên, bóng đá Pháp đào tạo nên họ chứ không có ai nhờ đá bóng mà nhập cư!

Một câu chuyện nữa: hai tên tuổi lớn của bóng đá Bồ Đào Nha là Deco (Brazil) và Eusebio (Mozambique). Cả hai đều đến Bồ Đào Nha năm 18 tuổi. Chính những CLB nổi tiếng của Bồ Đào Nha đã góp công tạo nên tên tuổi của họ, chứ không phải nhờ họ đá bóng giỏi mà các CLB năn nỉ mời nhập tịch rồi sau đó thành tuyển thủ Bồ Đào Nha!

S.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên