22/11/2009 06:13 GMT+7

Đã là công dân VN thì được đối xử bình đẳng

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TT - Sáng 21-11, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường xung quanh quy định mỗi CLB chỉ có một cầu thủ nhập tịch thi đấu trên sân ở V-League 2010.

NasFcF0k.jpgPhóng to

Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Ảnh: Việt Dũng

TT - Sáng 21-11, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường xung quanh quy định mỗi CLB chỉ có một cầu thủ nhập tịch thi đấu trên sân ở V-League 2010.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói:

“Về vấn đề này Bộ Tư pháp chưa nhận được đề nghị cụ thể nào của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) nên cũng chưa được biết một cách chính thức quy định của VFF như thế nào. Nhưng qua thông tin trên báo chí, tôi đã yêu cầu kiểm tra lại và phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để xem xét. Tôi đã giao một thứ trưởng trong tuần này dự họp liên ngành và nội dung cuộc họp có bàn đến vấn đề nêu trên. Sau khi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức”.

* Bộ trưởng nghĩ gì về quy định hạn chế cầu thủ nhập tịch thi đấu của VFF?

- Quy định của VFF không phải là văn bản quy phạm pháp luật do VFF là một hội nghề nghiệp (nếu nó là văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của Bộ Tư pháp là phải kiểm tra về tính hợp hiến, hợp pháp). Và ở hiệp hội, người ta có thể thỏa thuận với nhau ở mức độ nhất định về những vấn đề sẽ đáp ứng chung lợi ích của hiệp hội.

Tại sao VFF lại đưa ra quy định đó thì tôi không đi sâu vào, nhưng rõ ràng ở đây có một điều là hiệp hội nào cũng phải hoạt động trong khuôn khổ luật pháp.

Đứng về phương diện pháp luật, công dân VN bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ, không phân biệt đó là người gốc VN có quốc tịch VN hay là người nước ngoài nhập quốc tịch VN. Tuy nhiên, Luật quốc tịch cũng nêu rõ trong trường hợp người có hai quốc tịch có thể phải chịu những quy định riêng.

* Hiện đã có văn bản dưới luật hướng dẫn trường hợp hai quốc tịch thì quy định riêng như thế nào hay chưa, thưa bộ trưởng?

- Cho đến hôm nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể riêng đối với trường hợp có hai quốc tịch mà thường trú ở VN, còn người có hai quốc tịch mà thường trú ở nước ngoài thì khác. Ở đây, do các cầu thủ nhập tịch đang thường trú tại VN nên về nguyên tắc phải đối xử với họ bình đẳng như mọi công dân khác.

* Thưa bộ trưởng, lâu nay đã có xu hướng nhiều cầu thủ nước ngoài nhập quốc tịch VN, vậy chính sách chung ở đây như thế nào?

- Việc nhập tịch lâu nay được cân nhắc kỹ chứ không phải cho ồ ạt, do đó số cầu thủ được nhập tịch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các tỉnh có cầu thủ ngoại nhập tịch đều thấy hài lòng, các CLB cũng hài lòng. Nhưng ở cấp đội tuyển thì khác bởi đội tuyển còn là màu cờ sắc áo của đất nước.

Hiện các hồ sơ xin nhập quốc tịch VN đều được cấp ủy và chính quyền địa phương nói là có lợi cho sự nghiệp phát triển thể thao của địa phương đó, hoặc là có đóng góp chung cho cả nước, điều đó hoàn toàn phù hợp với quy định của luật. Tuy nhiên, nghị định mới của Chính phủ (có hiệu lực từ 10-11) quy định việc phải có thẻ thường trú tại VN, lúc đó mới đặt vấn đề có nhập quốc tịch VN hay không.

* Thẻ thường trú sẽ do cơ quan nào cấp?

- Theo quy định của Luật cư trú, tôi hiểu là thẩm quyền của công an cấp tỉnh có quyền cấp.

Nhảy bậy!

TthgVLPt.jpgPhóng to

Xung quanh chuyện VFF (Liên đoàn Bóng đá VN) quyết định hạn chế cầu thủ người Việt gốc nước ngoài bằng cách mỗi đội chỉ được phép đưa một người vào sân thi đấu, vào chủ nhật trước chúng tôi đã đưa ý kiến của các luật sư cho rằng: phạm luật.

Sau đó, trong hội nghị ban chấp hành VFF, người ta đã mời đại diện Bộ Nội vụ sang chứng kiến số đông áp đảo của tổ chức này đồng tình với quyết định nói trên. Nhưng, liệu đại diện mỗi Bộ Nội vụ có đủ để ủng hộ VFF đưa ra một quyết định phạm luật? Xin thưa rằng không, bởi vì đã đụng đến luật thì quyền quyết định chỉ có thể là Quốc hội.

Câu chuyện “trói chân” cầu thủ ngoại nhập tịch đang ngày càng gay cấn khi một vài người lên tiếng đòi kiện VFF. Họ đòi kiện cũng đúng, vì việc “trói chân” ắt phải ảnh hưởng đến thu nhập do các đội bóng đều trả lương, thưởng theo số thời gian thi đấu. Ví dụ ở CLB Hoàng Anh Gia Lai, với hai cầu thủ Đoàn Văn Nirut, Đoàn Văn Sakda, thay vì cả hai đều được thi đấu thì giờ chỉ một trong hai mà thôi.

Tuy nhiên, thật lòng mà nói, chuyện hạn chế ngoại binh nhập tịch là điều nên khuyến khích. Bởi nếu không ngăn chặn, dám lắm sẽ có ngày trên sân có đến 7-8 cầu thủ ngoại trong một đội! Lý do là nhập tịch cho cầu thủ ngoại rẻ hơn, hiệu quả hơn so với đầu tư đào tạo trẻ. Và đó là tai họa cho bóng đá VN.

Nhưng hạn chế bằng cách nào chứ chơi kiểu vượt luật của VFF thì thật không nên chút nào.

Điều đáng tiếc là mối hiểm nguy cho bóng đá VN từ chiêu nhập tịch ngoại binh vốn đã được báo chí cảnh báo từ lâu. Lẽ ra ngay từ đầu lãnh đạo VFF phải có những cuộc làm việc riêng với từng câu lạc bộ, bày tỏ quan điểm không ủng hộ, đặc biệt với những trường hợp “lót tay” để thuyết phục ngoại binh nhập tịch. Nếu có sự ngăn chặn từ đầu ấy, tôi tin rằng chẳng có đội bóng nào dám cãi VFF.

Tiếc làm sao khi nước mới ngang mắt cá thì bình chân như vại; đợi đến lúc nước lên ngang bụng thì hoảng, nhảy bậy bằng một quyết định phạm luật làm mọi chuyện trở nên thật sự rối.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên