20/01/2009 08:36 GMT+7

Chuyện về đoàn lân... "hầm bà lằng"

TRUNG DÂN
TRUNG DÂN

TT - Dù mang tên Phù Đổng nhưng nhiều người vẫn quen gọi đoàn lân này là “đoàn lân hầm bà lằng” bởi ngoài chuyện múa lân, họ còn làm rất nhiều nghề khác để mưu sinh như: làm đầu lân xuất khẩu, hoạt náo viên trên sân bóng, thậm chí... thổi kèn đám ma.

RBlFxaSd.jpgPhóng to
Anh Phước (áo trắng) hướng dẫn các thành viên của đoàn lân làm đầu lân xuất khẩu - Ảnh: TR.D.
TT - Dù mang tên Phù Đổng nhưng nhiều người vẫn quen gọi đoàn lân này là “đoàn lân hầm bà lằng” bởi ngoài chuyện múa lân, họ còn làm rất nhiều nghề khác để mưu sinh như: làm đầu lân xuất khẩu, hoạt náo viên trên sân bóng, thậm chí... thổi kèn đám ma.

Cơ ngơi của đoàn lân Phù Đổng là một khoảng trống trên sân thượng có diện tích chừng 30m2, thuê của Nhà thiếu nhi quận 6 (TP.HCM) với chi phí gần 1 triệu đồng/tháng. Trước khi trở thành phó giám đốc nhà thiếu nhi, anh Lê Đình Phước - người sáng lập đội lân - từng là một cán bộ Đoàn của quận 6 đồng thời còn là võ sư dạy vovinam.

Bắt đầu từ luyện võ

Niềm vui cuối năm

Sau nhiều năm khó khăn làm đủ nghề để tồn tại, cuối năm 2008 đoàn lân Phù Đổng đón nhận cùng lúc hai tin vui khi được Công ty Triệu Gia SoundMax và công ty cơ khí công nghiệp Tân Gia Bảo nhận lời tài trợ với chi phí mỗi năm 20 triệu đồng để trang bị thêm vật dụng biểu diễn. Ngoài ra, trước đó Công ty du lịch Phú Thọ cũng tiếp tục ký hợp đồng mời đoàn lân Phù Đổng đến biểu diễn vào các ngày chủ nhật hằng tuần tại công viên văn hóa Đầm Sen.

Những ngày đầu thành lập, tuy lớp võ chỉ có vài võ sinh nhưng toàn là các anh chị có “số má” như Mười Bốn, Cu Lửa ở Cầu đò, Hoàng “phế”, Hải “ba vá” ở hẻm 99, Lể “sóc”, Lộc “méo” ở chợ rau, Cù “lý” ở xóm Miễu... Với phương pháp “mềm nắn, rắn buông” cùng tấm lòng của mình, dần dần lớp võ của anh Phước đã có cả trăm võ sinh, trong đó phần lớn là các trẻ em vào đời sớm.

Sau khi lớp võ đi vào nề nếp, khó khăn tiếp theo của đại ca Phước “chùa” là chi phí để duy trì hoạt động. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đội lân Phù Đổng được ra đời. Anh Phước nhớ lại: “Hồi nhỏ, do được tập luyện múa lân ở các thầy người Hoa nên việc hình thành và tập luyện đội lân đối với tôi không khó lắm. Hơn nữa, khi biết việc làm của mình, tổ chức Đoàn và chính quyền địa phương hết sức ủng hộ với những hình thức trợ giúp như mặt bằng, cơ sở vật chất...”.

Là đội lân nghèo nên tất cả đều đi chân đất, đồng phục đen đúa. “Tài sản” của đội lúc đó chỉ là một đầu lân với lưng lân bằng vải băngrôn vá víu chằng chịt... Do chiếc trống có mặt trống làm bằng da bò mỏng tang nên trước khi đi biểu diễn phải trét một lớp sáp đèn cầy dày để bảo vệ mặt trống.

Cũng vì nghèo nên ngoài chuyện múa lân, đoàn lân Phù Đổng còn nhận thêm các công việc khác như thổi kèn đám ma, thổi kèn phục vụ hội nghị, làm đầu lân xuất khẩu... Thậm chí có thời gian đoàn còn xuống tận Tân An (Long An) thổi kèn cho đội Đồng Tâm Long An để kiếm thêm tiền bồi dưỡng.

VUf4f1eV.jpgPhóng to
Các thành viên đoàn lân tập luyện

Chữ “tình” trong gian khó

Giữa năm 2008, nhân kỷ niệm 19 năm thành lập đoàn, ông bầu Lê Đình Phước đón nhận món quà đặc biệt là một bài nhạc với tựa đề Cha ở đâu của một thành viên đoàn lân sáng tác dành tặng riêng “sư phụ”.

Hôm chúng tôi đến, anh Phước đọc lại lời bài hát như một lời tự sự. Theo anh Phước, những ca từ như “cuộc đời không cha như bầu trời thiếu ánh sao đêm, đời con không cha, đời như mất đi nụ cười...” đã nói lên những bất hạnh chung của những đứa trẻ vào đời thiếu may mắn như anh. Hơn 19 năm hoạt động, đoàn lân Phù Đổng được xem là mái nhà thứ hai và ông bầu Phước “chùa” là người cha đỡ đầu của không ít trẻ em có quá khứ lầm lỡ.

Trong các buổi họp mặt, anh Phước luôn tìm kiếm giới thiệu những tấm gương vượt khó, thành công trong cuộc sống để lớp đàn em học tập. Theo anh Phước, trong số gần 1.000 võ sinh từng sinh hoạt ở đoàn lân, hiện nay có rất nhiều người thành đạt. Như vợ chồng võ sinh Liên Chí Hải - Nguyễn Thị Thu Hồng tu chí làm ăn, hiện nay trở thành một trong những đại lý cung cấp thịt bò lớn nhất khu vực Chợ Lớn. Hay “siêu quậy” Hà Út Hậu - người từng có tiền án, sau khi hoàn lương trở thành nhân viên bảo vệ cho một khách sạn ở quận 6 và tiếp tục... đưa cậu con trai đến nhờ thầy Phước dạy võ...

TRUNG DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên