17/08/2007 11:05 GMT+7

Mong muốn cờ toán Việt Nam được đưa vào trường học

TTO
TTO

TTO - Sáng nay (17-8), hơn 200 bạn đọc đã gửi những ý kiến ngưỡng mộ và thắc mắc của mình đến ông Vũ Bẩy (TP Bắc Ninh) - người đã sáng tạo trò chơi cờ toán Việt Nam được Bộ VHTT công nhận bản quyền và được các công ty đề nghị đấu giá 1 triệu đô-la. Nhưng "cờ toán là món quà tôi tặng cho cuộc đời, cho người chơi, tôi không bán bản quyền cho bất cứ ai", ông nói.

JZ36JbAN.jpgPhóng to
Ông Vũ Bẩy tại buổi giao lưu
TTO - Sáng nay (17-8), hơn 200 bạn đọc đã gửi những ý kiến ngưỡng mộ và thắc mắc của mình đến ông Vũ Bẩy (TP Bắc Ninh) - người đã sáng tạo trò chơi cờ toán Việt Nam được Bộ VHTT công nhận bản quyền và được các công ty đề nghị đấu giá 1 triệu đô-la. Nhưng "cờ toán là món quà tôi tặng cho cuộc đời, cho người chơi, tôi không bán bản quyền cho bất cứ ai", ông nói.

* Có thật là môn cờ của ông đã được công ty đặt vấn đề đấu giá 1 triệu USD, và 1 chuyên gia Trung Quốc cũng trả giá đó, cháu muốn nghe câu chuyện đó (ngochan@yahoo.com)

- Về giá bản quyền của cờ toán VN thì sự thật có rất nhiều công ty trong nước cũng như ngoài nước đặt vấn đề muốn mua bản quyền, trong đó có một cá nhân chấp nhận 1 triệu USD nhưng đến nay có những thông tin sẵn sàng trả giá cao hơn.

Việc họ muốn mua bản quyền thì tôi cũng đã nói công khai nhiều lần là tôi không bán bản quyền.

Về chi tiết có chuyên gia TQ muốn mua bản quyền 1 triệu USD. Đó là một hôm tôi đang ở nhà thì có một ông chuyên gia về cờ của TQ và một người phiên dịch đến đặt vấn đề nghe nói giá khởi điểm phải là 1 triệu USD và sẵn sàng muốn mua 1 triệu USD.

Có một cuộc tọa đàm ngoài lề là nếu bán đấu giá thì giá khởi điểm phải là 1 triệu USD. Tôi không hỏi rõ ông nghe thông tin giá 1 triệu USD ở đâu nhưng tôi nói là có thể bán bản quyền nhưng giai đoạn hiện nay thì chưa.

Ông ấy nói nếu mua thì sẽ cải tiến một số nội dung. Thứ nhất là cải tiến quân cờ không dùng kí hiệu dấu chấm tròn mà sẽ dùng chữ. Thứ hai, ông ấy sẽ không lấy tên là cờ toán VN mà lấy tên là cờ toán quốc tế. Tôi suy nghĩ nếu là cờ toán quốc tế mà quân cờ đề nhất, nhị, tam, tứ thì không ổn. Tôi lưu ý ông ấy cờ toán thì phải mang tính toán học, phải sử dụng con số. Mặt khác, cờ toán xuất xứ từ VN thì nên lấy tên là cờ toán VN là tốt nhất.

*Kinh gui ong Vu Bay ! Doc bai viet cua bao tuoi tre Online toi rat tu hao va kinh phuc ong Bay da khong mang toi quyen loi ca nhan ma dat danh du cua ca Dan Toc len tren het . Rat mong som mot ngay duoc biet cach choi "co toan Viet Nam" (Hoang Khap, 53 tuổi, vankhaphoang)

- Hiện tôi đã chuẩn bị rất nhiều phương án để đưa cờ toán đến với nhiều người. Một là sẽ phổ biến cách chơi qua mạng. Hai là sẽ sản xuất những bộ quân cờ, bàn cờ kèm theo tài liệu hướng dẫn để phục vụ người mến mộ.

* Cờ toán là gì? (nguyen cong thi, 22 tuổi, cong_thi@yahoo.com)

- Cờ toán là đánh cờ theo công thức toán học. Cụ thể, trong toán có dãy số nguyên đơn từ 1- 9 và con số 0. Trong cờ toán, tất cả các con số đều đi theo trị số của mình, số 0 đứng yên. Số 1 đi 1 ô, số 2 đi từ 1 hoặc đi 2 ô. Quân 9 có thể đi từ 1 đến 9 ô tùy chọn.

Điều kiện là khi đi thì không được vượt qua bất kỳ quân cờ nào, tức là chỉ đi ở những ô trống. Hướng đi thì bạn phải đi theo bốn hướng tiến, lùi, trái, phải và bốn hướng chéo đông, tây, nam, bắc.

Cách bắt quân thì muốn bắt quân đối phương bạn phải đi thế nào đó để có hai quân cờ của mình liền nhau, từ đó trong đầu bạn tự tính cộng hay trừ, nhân, chia ra đáp số là bao nhiêu thì đấy là điểm bắt quân đối phương. Ví dụ, bạn đi quân 1 lên trên quân 2 thì hướng bắt quân của bạn sẽ là 2-1=1 hoặc 2x1=2 hoặc 2+1=3. Như vậy các đáp số 1, 2, 3 là điểm bắt quân đối phương. Khi bắt quân đối phương thì lấy quân sau đặt vào chỗ quân bị bắt. Các quân khác cũng tương tự như vậy.

*Cảm hứng nào mà ông nghĩ ra cờ toán? (vuong, 34 tuổi, phamquocvuongudico@yahoo.com.vn)

- Từ bé tôi đã được chơi nhiều loại cờ: cờ tướng, cờ vua, cờ ngũ hành, cờ chân chó, cờ trận. Trong tất cả các trò chơi tôi thích những trò chơi mang tính trí tuệ, phải tính toán, suy nghĩ.

Trên cơ sở đó tôi tự hỏi tại sao cờ tướng, cờ vua đã tồn tại trong lịch sử mấy nghìn năm và được biết cờ tường, cờ vua có xuất xứ từ nước ngoài và trong đầu tôi đặt ra một câu hỏi tại sao ta không đưa toán học vào trò chơi cờ và ý tưởng sáng tạo cờ toán hình thành từ đó.

* Làm sao ông biết được môn cờ của mình chưa từng có trên thế giới? (bb@yahoo.com)

- Theo tôi, trách nhiệm này thuộc Cục bản quyền tác giả vì trước khi cấp bản quyền tác giả họ đã có tư liệu vì VN đã vào công ước Bern và họ đã lưu giữ những phát minh, sáng chế.

Chắc chắn trên thế giới không có loại cờ nào dùng toán học để chơi nên các anh ở Cục Bản quyền tác giả mới cấp bản quyền.

* Có nhiều trường hợp bị hạn chế nước đi như 2 quân 8 và 5 đứng kế nhau chỉ đi được 1 nước duy nhất là số 3 ( dù cho cộng , trừ , nhân , chia cũng vẫn đi được là số 3).

Vậy ông có loại trừ những trường hợp đó ra khi tính số nước đi của cờ toán là 87 luỹ thừa 87 chưa? Nếu loại trừ thì số nước đi của Cờ Toán thực sự còn lại là bao nhiêu nước ? (Nguyễn Văn Trung, 16 tuổi, thanhngan_2004@yahoo.com)

- Về con số 87 lũy thừa 87, theo tôi thứ nhất tôi không thể tính được con số cụ thể 87 lũy thừa 87 nên đấy chỉ là con số tương đối.

*Cờ toán và cờ vua, cờ tướng khác nhau ở đâu ? (nguyen xuan hong, 24 tuổi, hong_hai_quan_ht_6ke_1021@yahoo.com)

- Cờ toán khác với cờ vua ở chỗ cờ toán áp dụng công thức toán học cộng, trừ, nhân, chia để bắt quân đối phương và cách đi quân của cờ toán đi bốn phương, bốn hướng, còn cờ tướng và cờ vua có cách đi quân qui định cho từng quân cờ, ví dụ cờ tướng mã nhật, tượng điền, xe liên, pháo cách và quân tốt thì chỉ tiến, không được phép lùi, khi đã sang sông thì được đi ngang...

Một điểm khác biệt quan trọng là cờ toán thì vừa chơi vừa học toán, rất thiết thực.

* Ông có thể cho con biết làm thế nào để chơi môn Cờ Toán được giỏi, trong khi con là người mới biết chơi. (Nguyễn Linh, 20 tuổi, changtraisitinhsd@gmail.com)

- Muốn chơi cờ toán giỏi trước hết cháu phải giỏi toán. Cụ thể là bốn phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân, chia. Trên cơ sở đó cháu phải tư duy, sáng tạo ra những nước đi có hiệu quả.

* Cháu muốn biết về bản thân ông, ông làm nghề nặn tượng, vậy ông có giỏi toán không?

Ông có là người chơi cờ giỏi không, các loại cờ gì? Triết lý sống và làm việc của ông hàng ngày là gì? Trong 20 năm ông đã suy nghĩ gì để nung nấu phát triển chỉ 1 trò chơi?

Ngoài cờ ra ông còn quan tâm đến những điều thú vị nào khác nữa?

- Bản thân tôi về môn toán học thì thuộc loại dốt. Các loại cờ thì thuộc loại "sạch nước cản". Triết lí sống và làm việc của tôi luôn luôn hướng tới mục tiêu chân, thiện, mỹ. (Cười)

*Cháu đọc thấy môn cờ toán là môn có nhiều cách đi và bác đã làm thế nào để tính và đi hết các nước đó vậy? (Nguyen Thi Lan, 24 tuổi, Lan_love_bn@yahoo.com)

- Người ta tính mỗi nước đi ban đầu, ví dụ quân 1 được đi mấy ô đến quân 9 được đi mấy ô thì ra tổng là 87 nước đi ban đầu. Từ đó mỗi nước đi kết hợp với nhau thành những nước đi chiến lược nên suy ra số nước đi chiến lược là 87 lũy thừa 87. Giống như cờ tướng chỉ có tối đa 32 nước đi ban đầu, kể cả nước đi đầu tiên người chơi thượng tướng.

8jyfJ5Qq.jpgPhóng to

* Có khi nào trong quá trình bác sáng tạo ra cờ toán bác bị nản lòng không vậy ? (Nguyen Thi Lan, 24 tuổi, Lan_love_bn@yahoo.cm)

- Kể từ khi bắt đầu có ý tưởng sáng tạo cờ toán VN cho đến ngày được cấp bản quyền, mặc dù rất nhiều lần không được các cơ quan quản lí cấp giấy chứng nhận nhưng tôi không hề nản lòng, luôn tin tưởng cờ toán VN sẽ được cơ quan quản lí và xã hội công nhận là một trò chơi trí tuệ, có ích.

*Thưa ông, con muốn hỏi: khi nào thì những bộ Cờ toán Việt Nam sẽ được sản xuất và phổ biến đến mọi người, hay người chơi phải... tự làm lấy?

Và ông có dự định lập một diễn đàn trực tuyến dành cho những người yêu thích môn cờ này không? Nếu trên website đó mà mọi người có thể thi đấu với nhau luôn thì tốt quá! (Vi Huỳnh Tiến Đạt, 18 tuổi, vihuynhtiendat@yahoo.com.vn)

- Hiện tại người chơi phải tự làm lấy. Trong tương lai gần sẽ có những bộ cờ toán bán rộng rãi trên thị trường để người chơi có thể mua về chơi.

Hiện nay chúng tôi đang bàn bạc liên kết với một công ty chuyên làm phần mềm máy tính là Công ty Hào quang Việt. Một ngày gần đây sẽ chính thức khai trương để các bạn có thể chơi qua Internet, qua điện thoại di động.

*Theo tính toán của các chuyên gia Liên Xô trước đây, số nước cờ của cờ toán quá nhiều. Như thế có thể vượt quá tầm kiểm soát của người chơi về việc tuy duy các nước cờ. Liệu cờ toán sẽ nặng về tính may rủi nhiều hơn là sự tính toán về trí tuệ như cờ tuớng hoặc cờ quốc tế? (nguyễn văn sơn, 40 tuổi, tuongvi@yahoo.com.vn)

- Cờ toán hoàn toàn không có chuyện may rủi. Việc kiểm soát số nước đi là do chỉ số thông minh và khả năng sáng tạo, tìm tòi của mọi người.

*Liệu cái tên "cờ tóan Việt Nam" có cục bộ quá không, nó có làm hạn chế sự phổ biến cờ của Bác ra thế giới không? (ĐẶNG VĂN TUẤN, 29 tuổi, DANG VAN TUAN_KSXD@YAHOO.COM)

- Trong quá trình sáng tạo, riêng phần đặt tên cho môn cờ này tôi đã lựa chọn hàng trăm tên, cuối cùng tôi quyết định đặt tên cờ toán VN vì lí do rất đơn giản là nó xuất xứ từ VN và tôi là người VN.

Tôi cũng biết toán học là toàn cầu. Nếu là tên cờ toán quốc tế có thể sẽ thích hợp hơn nhưng tôi tôn vinh Tổ quốc tôi nên tôi lấy tên là cờ toán VN mặc dù toán học thì VN cũng như Mỹ, Anh, Pháp cộng trừ đều theo một công thức duy nhất, giống nhau.

* 1 triệu USD là không nhỏ. Tại sao ông Bảy không rao giá lên cao hơn nữa với điều kiện là giữ nguyên tên cờ cũng như các quân cờ vì điều đó sẽ không ảnh hưởng gì? (tạ quý hợi, 25 tuổi, baoloc_25251325)

- Từ khi có ý tưởng sáng tạo cờ toán đến khi được cấp bản quyền, trong tư duy của tôi không hề có ý nghĩ sẽ bán bản quyền nên 1 triệu USD hay nhiều hơn nữa tôi không quan tâm vì một lí rất đơn giản là tôi không bán bản quyền.

*Bác có thể kể cho chúng cháu nghe một vài câu chuyện "hậu trường" mà bác không thể quên trong quá trình sáng tạo môn cờ toán không ạ? (không kể quá trình bác đi đăng ký bản quyền) (Hong Loi, 25 tuổi, nguyenhongloi@gmail.com)

- Trong quá trình sáng tạo cờ toán có một chuyện rất thú vị là tôi hay lang thang đến các quán giải khát thu lượm những nút chai, nút bia về làm quân cờ. Bạn bè trông thấy tưởng tôi bị dở hơi.

Chuyện thứ hai là tôi trao đổi với một ông bạn thân rằng tôi sẽ sáng tạo ra môn cờ thì ông bạn ấy bảo rằng người ta sáng tạo ra lúa thần tiên, lợn cắt tai..., ông thì lại đi nghĩ ra cái trò cờ bạc (!)

* Chào ông Bảy, Trong cờ tướng, cờ vua có đề cập đến khái niệm cờ thế, cho cháu hỏi trong cờ toán có khái niệm nào tương tự như vậy không ạ? (Phạm Phú Phúc, 24 tuổi, phuphucpham@yahoo.com)

- Trong cờ toán VN người chơi hoàn toàn có thể bày đặt ra nhiều thế cờ bí hiểm.

* Cảm giác khi chơi cờ Toán là như thế nào ạ? Nó có kịch tính như cờ vua hay cờ tuớng không ạ? (Phan Tiến Dũng, 21 tuổi, greenriver_tnt@yahoo.com)

- Có lẽ về kịch tính trong quá trình chơi cờ tướng, cờ vua và cờ toán VN cũng tương tự như nhau. Trong quá trình chơi, rất có thể xảy ra những tình huống vượt ra ngoài tiêu chí "thân thiện, trí tuệ, sáng tạo" nên trên bàn cờ toán VN tôi phảt ghi sáu chữ đó ở đầu bàn cờ.

* Tại sao ông lại không bán bản quyền ạ? (legiao@yahoo.com)

- Ngay từ ban đầu ý tưởng sáng tạo cờ toán VN tôi suy nghĩ có thể đây là quà tặng dành dâng hiến cho đời, cho những người thích chơi cờ nên tôi không thể bán bản quyền cho bất cứ ai.

* Xin bác Bảy vui lòng cho biết hiện nay có khoảng bao nhiêu người biết chơi môn cờ toán của bác? Từ khi báo Tuổi trẻ loan tin về môn cờ mới mẻ này, các cơ quan chức năng ở nước ta đã có hành động cụ thể nào để phổ biến môn cờ toán? Và bác có hài lòng về những động thái đó? (lê bá thi, 50 tuổi, bathinhabaotudo@yahoo.com.vn)

- Hiện nay trên địa bàn TP Bắc Ninh quê tôi, số người biết chơi cờ toán rất ít nhưng ở một số nơi, tuy không thống kê, nhưng chắc chắn có rất nhiều người. Trường THPT Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) đã tổ chức thi đấu giải vô địch cờ toán nhân dịp ngày thành lập Đoàn và các chiến sĩ ở đảo Trường Sa cũng đã tổ chức thi đấu.

Từ năm 2005 đến nay chưa có một cơ quan chức năng nào quan tâm đặt vấn đề phổ biến môn cờ này vào cuộc sống.

*Tôi cũng có tạo mới ra vài loại cờ - 1 trong số đó đã bán ra thị trường. Tôi muốn cộng tác với ông Bẩy để quảng bá các loại cờ mới do Người Việt sáng tạo ra. Nếu được xin ông vui lòng liên hệ với tôi theo địa chỉ 49 NguyễnTrọng Tuyển. Phú Nhuận TP. HCM ( ĐT 2929116, Công ty 1.1.1, Nguyễn Quốc Việt, 45 tuổi, caremwall2000@yahoo.com)

- Tôi rất sẵn sàng cộng tác với ông trong việc sản xuất ra những bộ cờ toán VN và quảng bá sâu rộng trong xã hội. Mời ông liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 0241. 824178.

* Bác là người rất đam mê. Bác hãy cho bọn trẻ chúng cháu một lời khuyên về cách chơi, cách nghĩ và cách để đeo đuổi một mục đích, sao cho mình không chán nản, lạc lỏng í ? (Thanhnhan@yahoo.com)

- Theo kinh nghiệm của bác thì dù chơi bất cứ trò chơi nào hoặc suy nghĩ theo đuổi một mục đích lớn lao nào trước hết cháu phải xác định mục tiêu rõ ràng và phải có lòng tự tin, quyết tâm.

*Cháu xin bày tỏ niềm kính phục đến bác. Vì chỉ mới tìm hiểu sơ lược về cách chơi của môn cờ này (qua báo), cháu xin được hỏi thêm bác một số điều sau:

1. Thời gian bình quân cho một ván cờ Toán (tính đến thời điểm mất quân 0)?

2. Thường thì khi xảy ra những trường hợp nào hai bên sẽ đồng ý kết thúc ván cờ (trong trường hợp không bắt được quân 0) để tính điểm của số quân ăn được phân thắng bại cho ván đấu? Xin cám ơn bác và kính chúc sức khỏe. (Võ Duy Chấn, 35 tuổi, vdt000@yahoo.com)

- Trong cờ toán VN có những nước đi, những thế cờ chỉ từ 1 - 2 phút là đã có thể thắng tuyệt đối nếu đối phương không biết cách phòng thủ.

Cờ toán VN có hai trường hợp thắng - thua. Thắng điểm thì gọi là thắng điểm. Bắt được quân 0 thì gọi là thắng tuyệt đối. Điểm của một ván thắng do hai kỳ thủ thỏa thuận với nhau. Có thể 10 điểm, 15 hay 20 điểm hoặc phải tuân thủ theo qui định của Ban tổ chức thi đấu.

* Bác cho cháu hỏi 1 câu về luật chơi: 1. Có phải nếu 2 quân mình nằm kế nhau theo hàng dọc hoặc ngang thì sử dụng phép cộng trừ, còn hàng chéo thì sử dụng nhân chia? Hay là trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể sử dụng 4 phép này?

2. Bác có thể cho một số kinh nghiệm về chọn phép để bắt quân đối phương? (Trần Thanh Giảng, 27 tuổi, steven.giang.tran@gmail.com)

- Trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần sử dụng 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia để sử dụng phép bắt quân đối phương.

Việc bắt quân đối phương, trong quá trình thi đấu nên tính toán những phương án sao cho đối phương chạy quân này thì bị bắt quân khác, tương tự như thế cờ "chiếu tướng, bắt xe" trong cờ tướng.

* Thưa ông, vì sao ông không sử dụng các con số từ 0-9 thay vì các chấm như hiện nay? Và nếu có một yêu cầu tới các cơ quan chức năng thì ông sẽ đề nghị điều gì? Xin cảm ơn ông. (Huỳnh Ngọc Duy, 30 tuổi, duy626364@yahoo.com)

- Trên quân cờ tôi sử dụng những dấu chấm để biểu thị những con số từ 0 - 9 vì từ 0-9 là con số latinh và trong quá trình thi đấu sẽ có hiện tượng nhầm lẫn giữa số 6 và 9. Mặt khác, nếu sử dụng số thì mình nhìn thuận nhưng đối thủ nhìn lại ngược. Điều quan trọng là những dấu chấm tròn là biểu tượng nguyên thủy của những con số toán học.

Tôi có một đề nghị duy nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trò chơi này trong hệ thống nhà trường bởi nó rất có ích cho học sinh, sinh viên vừa chơi, vừa học.

XGbZ4wWM.jpgPhóng to
Ông Vũ Bẩy và bàn cờ toán tại buổi giao lưu
* Xin ông cho biết kế hoạch để "quốc tế hoá" cờ toán việt nam. (Nguyễn Ngọc, 57 tuổi, ngngoc50@yahoo.com.vn)

- Kế hoạch của tôi là sẽ hợp tác với một số công ty có đủ điều kiện dịch cách chơi ra tiếng nước ngoài và tạo ra phần mềm để chơi trên mạng hoặc qua điện thoại di động.

* Thưa Bác! Cháu thấy cờ toán của bác rất hay; từ khi đọc báo Tuổi Trẻ là cháu tự tìm hiểu để chơi liền (dân cờ mà). Cách chơi thì cũng đơn giản. Cháu muốn hỏi là Bác chơi lâu như vậy thì có kinh nghiệm để giới thiệu các đòn thế các nước đánh không?

Giờ cháu cũng định mở câu lạc bộ cờ toán ở Huế nhưng thiếu tài liệu để có thể phổ biến một cách bài bản. Bác có thể giới thiệu cho cháu được không? (Trần Hiếu Sơn, 23 tuổi, Bachvanson09@gmail.com)

- Cháu liên hệ với số điện thoại 0241. 824178 và cho bác địa chỉ cụ thể bác sẽ gửi tài liệu vào cho cháu.

* Cho cháu hỏi: - Hình thức bàn cờ như thế nào? (Hien, 26 tuổi, vh_sof@yahoo.com)

- Bàn cờ hình chữ nhật, chiều dọc 11 ô, chiều ngang 9 ô. Ở hai đầu bàn cờ, một đầu có chữ cờ tóan VN, đầu còn lại có chữ "thân thiện, trí tuệ, sáng tạo".

Xếp quân vào ô cuối cùng ở đầu bàn cờ lần lượt từ 1 - 9, từ trái sang phải. Quân số 0 xếp ở hàng ngang trên quân số 5.

Như vậy là hoàn toàn khác với các loại cờ đã có.

* Tôi có người bạn hiện làm việc trong công ty ở Nga và đã thấy đồng nghiệp Nga chơi cờ này từ lâu. Vậy có đúng cờ này của người VN mình sáng tạo ra không vì ngay cả người Nga cũng không biết xuất xứ cờ này? (lâm thi thanh thao, 38 tuổi, lamthao69yahoo.com)

- Bản thân tôi cũng không rõ ở đâu có cờ này hay cờ của tôi đã sang Nga chưa.

Tôi chỉ khẳng định rằng cờ toán VN đã được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền cho tôi từ ngày 15-8-2005.

*Ông cho cháu hỏi một chút về cờ Ngũ hành được không ạ? Bởi vì cách đây vài ngày, cháu đã nghĩ ra một lọai cờ có tên là Âm dương Ngũ hành. Cháu đang định đi xin cấp bản quyền. Nhưng vừa rồi, khi ông trả lời trực tuyến, ông có nhắc tới cờ Ngũ hành.

* Ông có thể giúp cháu, nói cho cháu biết về cờ Ngũ hành mà ông đã chơi được không ạ? (Phạm Anh Tuấn, 23 tuổi, anhtuan0510@yahoo.com)

- Theo ông đã từng chơi, cờ ngũ hành là loại cờ chỉ có 5 nước đi: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Để phân biệt thắng thua, người ta dồn đối phương vào một ô không có lối đi. Nó rất đơn điệu và nhàm chán nên có lẽ không tồn tại trong xã hội lâu dài như cờ tướng, cờ vua.

Về loại cờ của cháu, ông không rõ cách đi quân, cách bắt quân như thế nào và bố cục bàn cờ, quân cờ ra sao nên ông không thể có lời khuyên cụ thể được. Cách tốt nhất, cháu cố gắng hòan chỉnh rồi đem đến Cục Bản quyền tác giả. Ở đấy các cán bộ chuyên môn sẽ giám định và có kết luận cụ thể cho cháu.

* Sao lai quy định là bắt được quân 0 là thắng tuyệt đối dù cho kết quả của các trận trước là như thế nào, như vậy có công bằng không khi cả 2 ván trước thắng trong khi ván này bị bắt quân 0 lại bị xử thua?

Có thể tính nếu bắt quân 0 thì tính thêm nhiều điểm hơn để tính kết quả chung cuộc không? (binhvn@gmail.com) (BÌNH PHẠM, 31 tuổi, binhvn@gmail.com)

- Qui định như vậy vì theo công thức toán học, quân số 0 đứng sau một con số nào đó thì trị số của nó tăng lên gấp 10 lần. Ví dụ 1 có số 0 đứng sau sẽ là 10. 9 có số 0 đứng sau là 90... Đó là qui định luật chơi trong cờ toán VN. Còn trong thi đấu giao hữu thì tùy theo sự thỏa thuận giữa hai kỳ thủ và nếu là thi đấu tranh giải thì phải tuân thủ qui định của Ban Tổ chức.

* Cháu muốn nghe về nghề nặn tượng của Bác? Nặn tượng có liên quan đến toán không, bác làm nghề này là kinh tế chính ạ? Và có đủ sống không ạ? (hhuong@yahoo.com)

- Trước hết, bác xin trả lời cháu rằng nghề nặn tượng liên quan trực tiếp đến toán học và các bộ môn khoa học, kỹ thuật khác. Bác nặn tượng không hoàn toàn vì mục đích kinh tế nhưng bác yêu nghề nặn tượng. Tiếc thay bác không được học hành, đào tạo qua một trường lớp nào.

Bác phải tự học qua các sách báo, tài liệu và quan sát, học lỏm, học "mót" các nhà điêu khắc tài danh, các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống và trong quá trình làm nghề nặn tượng bác cũng có được một số tác phẩm điêu khắc thành công. Đặc biệt là những tác phẩm về lãnh tụ cách mạng, danh nhân văn hóa và những tượng có nội dung văn hóa dân gian.

Những tác phẩm này được Nhà nước sử dụng, được tham gia triển lãm và có nhiều tác phẩm được giải thưởng cao như tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tượng Bác Hồ với cây chì đỏ, tượng chân dung đồng chí Hoàng Quốc Việt đặt tại bảo tàng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...

* Kính gửi ông Vũ Bảy? Từ khi sáng tạo ra cờ Toán đến nay, chắc là ông đã giao lưu với nhiều người rồi, vậy có ai đã từng đánh thắng ông chưa? Và từ khi ông sáng tạo ra môn cờ này đến nay kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất, và người chơi cờ nào từng chơi với ông làm ông nhớ nhất (Trần Tuấn Anh, 23 tuổi, Trantuananh@tiengiang.gov.vn)

- Riêng về cờ toán VN, cho đến thời điểm này bác chưa gặp một đối thủ nào có thể bắt được của bác quân 1, quân 9 và quân số 0. Đã có người chơi đem máy tính đến để tính toán nhưng vẫn thua bác(cười)

Ấn tượng khó quên nhất là bác được về dự giải vô địch cờ toán VN lần thứ nhất ở trường Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội). Có hai học sinh đọat giải vô địch của hai lứa tuổi, sau khi được bác trao cờ vô địch thì có hai đồng chí cán bộ giới thiệu mình là giáo sư dạy toán cấp 3, đánh giao hữu với hai nhà vô địch trẻ này và kết quả là 3 ván liền thầy giáo dạỵ toán cấp 3 đều bị bắt quân số 0.

* Theo con, ông nên bán bản quyền để lấy 1 triệu USD hoặc hơn để dùng số tiền đó gây quỹ hỗ trợ cho giải cờ toán Việt Nam hay xây nhà dưỡng lão cho các cụ ở quê ông ? Như vậy có được không ông? (Đồng Khởi, 25 tuổi, phule_tutan@yahoo.com.vn)

- Ông không bán bản quyền nhưng vẫn có nhiều phương án để gây quĩ trao giải cờ toán VN và làm nhiều việc từ thiện khác.

* Ông có thể vui lòng đưa ra một số điểm hạn chế của môn cờ Toán (so với cờ tướng, cờ vua) không? Xin cám ơn. (Trần Văn Vĩnh, 32 tuổi, sol@yahoo.com.vn)

- Theo tôi, cờ toán VN không có một hạn chế nào so với cờ tướng và cờ vua ngoại trừ trường hợp không biết làm tính cộng, trừ, nhân, chia, không biết thế nào là tiến, lùi, trái, phải.

*Chúc mừng cựu thủ môn nhà điêu khắc Vũ Văn Bẩy!(thuy.ho@vtc.vn)

-Cám ơn bạn Thuỵ

* Cháu muốn biết thông tin về cớ toán cũng như luật chơi, hay học chơi cờ thì liên hệ với ai ở đâu? (Nguyễn Ngọc hòa, 28 tuổi, mrhoa2001@yahoo.com)

- Liên hệ với bác theo số điện 0241.824178.Việc sản xuất đồng loạt cờ toán VN phục vụ người chơi chậm nhất vào tết âm lịch năm nay sẽ có sản phẩm bán trên thị trường.

*Con trân trọng chào Bác . Con cũng thích toán học.Con đọc hết cuộc giao lưu rồi.Trong lòng con thật xúc động. Xin Bác hãy cho phép báo Tuổi trẻ online được phép tạo một đường dẫn để chúng con có thể tải về máy,nghiên cứu cơ bản tài liệu hướng dẫn chơi cờ toán Việt Nam ạ.Bác sẽ không phải pho to tài liệu để gửi đi ạ. Con cảm ơn Bác. (Nguyễn Duy Hải, 28 tuổi, tduyhair@yahoo.com)

- Nhân dịp báo Tuổi trẻ tạo điều kiện cho tôi giao lưu với các bạn, tôi được biết cuộc giao lưu này có hơn 209 câu hỏi nhưng vì thời gian có hạn nên tôi chỉ có thể trả lời một số câu hỏi cho các bạn.

Tôi sẽ tặng báo Tuổi Trẻ một bộ bàn cờ, một bộ luật chơi cờ, đồng thời tôi hướng dẫn qua cách chơi để nếu có dịp các bạn báo Tuổi Trẻ sẽ trao đổi, giao lưu với các bạn.

Luật chơi cờ toán của ông Vũ Bẩy

Bàn cờ hình chữ nhật, gồm 99 ô (9 ô hàng ngang và 11 ô hàng dọc). Ô thứ 5 ở hàng thứ 2 của mỗi bên có đường chéo là vị trí cố định của quân số 0 (tức trong khi chơi, số 0 không được di chuyển). Quân cờ hình tròn, mỗi bên một màu khác nhau, trên mỗi quân có các dấu chấm tròn thể hiện các số thứ tự 1-9 (ví dụ, quân số 1 có một chấm tròn; quân số 9 có chín chấm tròn).

Như vậy, mỗi bên có chín quân cờ và một quân số 0. Hai bên cùng xếp quân vào hàng ngang dưới cùng theo thứ tự 1-9 (theo chiều từ trái qua phải, tức tăng dần).

Ngoại trừ quân số 0 không được phép di chuyển ra khỏi vị trí, các quân còn lại 1-9 đều được đi theo tám hướng (trong đó bốn hướng đi thẳng ra bốn phía ngang, dọc và bốn hướng đi chéo theo đông - tây - nam - bắc). Mỗi ô trống trên bàn cờ là một bước đi. Số bước đi được thực hiện theo trị số riêng của từng quân cờ. Chẳng hạn, số 2 có thể đi 1-2 ô trống, số 9 có thể đi 1-9 ô trống tùy mục đích của người chơi.

Khi muốn bắt quân của đối phương, điều kiện là bên mình phải có hai quân đứng trong hai ô liền nhau theo chiều dọc hoặc ngang hoặc chéo (để tạo thành một phép tính và phía trước không có quân của đối phương đứng cản). Sau đó dùng các phép hoặc cộng (+), hoặc trừ (-), hoặc nhân (x), hoặc chia (:) với nhau để ra đáp số. Đáp số của mỗi phép tính là điểm có thể bắt được quân của đối phương.

Chẳng hạn, bên mình có quân 8 và quân 5 đứng liền nhau (8 đứng dưới, 5 đứng trên) theo hàng dọc thì có thể lấy 8-5 = 3 hoặc 8+5 = 13 để bắt quân đang đứng ở ô thứ 3 của đối phương (tính từ ô của quân 5 đứng trước) nếu muốn đánh tiến. Sau đó, lấy quân số 8 thế vào vị trí mà quân số của đối đối phương bị bắt. Còn nếu muốn bắt lùi thì lấy 5+8 = 13 và bắt quân đang đứng ở ô thứ 3 bắt đầu tính từ quân số 8.

Chú ý, nếu kết quả của phép cộng hoặc nhân mà lớn hơn 10 thì chỉ lấy số của hàng đơn vị để tính điểm bắt quân. Chẳng hạn 5+8 = 13 thì 3 là điểm để bắt quân của đối phương. Nếu là phép chia có dư thì lấy số dư để bắt quân. Chẳng hạn, lấy quân 8 chia cho quân 5 bằng 1 dư 3 thì 3 là ô cờ được bắt quân của đối phương. Không thể lấy 5 x 8 = 40 vì điểm 0 là không có giá trị.

Trong khi tính toán, nếu phía trước có quân của đối phương đứng cản thì không thể bắt được quân của đối phương. Chẳng hạn 8+5 = 13 thì có thể bắt được quân số bất kỳ của đối phương (1, 2, 3, 4...) đang đứng ở ô thứ 3 tính từ quân số 5 của bên mình, nhưng nếu ở ô thứ 1, 2 có quân đối phương đang đứng thì không thể bắt được quân ở ô thứ 3 kể trên.

Cờ toán khác cờ tướng ở chỗ cờ tướng thì ăn trực tiếp (ngoại trừ quân pháo). Còn cờ toán buộc phải có hai quân để có thể làm một phép tính.

Trong quá trình chơi, bất kể khi nào, cứ bắt được quân số 0 của đối phương là thắng tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu không bắt được quân số 0 vẫn có thể tính việc thắng - thua bằng cách dựa theo số điểm. Mỗi quân cờ có số điểm tính theo trị số của nó. Chẳng hạn quân số 1 là 1 điểm, số 2 là 2 điểm... Trước khi chơi, hai bên có thể thỏa thuận thang điểm cho mỗi ván là 10-15-20 điểm... và chơi 1-3-5-7... ván. Sau đó tính trên tổng số ván thắng để tính thắng - thua. Nhưng trong quá trình thi đấu, bên nào bị đối phương bắt quân số 0 là bị xử thua tuyệt đối - dù trước đó đang dẫn trước 2-3-4 ván. Cụ thể:

- Ván 1: A thắng B với tỉ lệ điểm 10/7

- Ván 2: A thắng B với tỉ lệ điểm 12/5

- Ván 3: B thắng A tuyệt đối (tức B bắt được quân số 0 của A).

Kết quả cuối cùng: B thắng A.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên