14/03/2007 11:14 GMT+7

Võ Minh Trí: "Trót yêu thì phải nghe chửi…"

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Lớp tập huấn Trọng tài tài năng thuộc chương trình Tầm nhìn châu Á 2007 vừa bế giảng tại Malaysia. 100% học viên (54 người đến từ 27 quốc gia, lãnh thổ trong khu vực châu Á) đều được cấp bằng tốt nghiệp.

KktoZa9z.jpgPhóng to
Võ Minh Trí bị nốc ao ngay trong ngày khai mạc V-League 2006 vì sai sót ở trận Đà Nẵng - Hoàng Anh Gia Lai 1-0 trên sân Chi Lăng. Ảnh: Sĩ Huyên

Đây là sự kiện chưa từng có so với lớp học hồi năm 2006, vì chỉ cần một người không được cấp bằng xem như cả lớp cùng chung số phận! Trong 54 Vua sân cỏ đẳng cấp FIFA ấy, Việt Nam lần đầu tiên được chọn và chỉ có một đại diện duy nhất: Võ Minh Trí (TP.HCM).

Điều thú vị không phải chỗ Trí là Vua sân cỏ duy nhất của bóng đá nước nhà ở lớp này, mà chính là chuyện Trí được VFF cùng Hội đồng trọng tài quốc gia giới thiệu đi học ngay sau khi AFC dỡ bở lệnh “cấm vận” với trọng tài, giám sát VN bởi sự cố 7 cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số ở SEA Games 23. Nhận ấn tiên phong, Trí thú nhận rằng anh lo ngay ngáy vì suốt cả năm 2006 nào có cơ hội ra nước ngoài làm việc bởi lệnh cấm vận ấy. Bóng đá có biết bao sự thay đổi trong 12 tháng qua.

Qc8bdGeJ.jpgPhóng to
Rèn luyện thể lực để duy trì phong độ là thói quen của Võ Minh Trí vào mỗi buổi chiều trên sân Thống Nhất. Ảnh: Sĩ Huyên
Phải đến khi nhận được bằng chứng nhận vượt qua được đợt sát hạch về chuyên môn lẫn thể lực của khóa học, Trí mới dám cất tiếng thở phào nhẹ nhõm vì không làm mất uy tín của trọng tài bóng đá VN trong mắt các giảng viên, đồng nghiệp trong khu vực.

**

Võ Minh Trí (chào đời ngày 3-4-1972 tại Cần Giuộc - Long An) được xem là "truyền nhân" của vua thẻ Nguyễn Văn Mùi bởi tính nghiêm khắc, mạnh tay rút thẻ với những trò tiểu xảo, ăn vạ hay chơi thô bạo dù anh không trực tiếp thọ giáo ông Mùi. Hiếm có trận đấu nào mà khi rời sân, Trí không rút ra đôi ba thẻ vàng cho cầu thủ. Trí lắc đầu quầy quậy cho rằng anh không muốn chứng minh cái uy của trọng tài, hay dằn mặt các cầu thủ bằng thẻ phạt mà chỉ muốn gìn giữ kỷ cương sân cỏ và làm đúng theo những gì luật đá bóng quy định.

**

Tốt nghiệp PTTH và cũng khá nổi bật trong màu áo đội bóng trường cấp III huyện Cần Giuộc - Long An với vai trò một trung vệ tự do, nhưng Trí quyết định chia tay với quả bóng để thi vào trường Cao đẳng Sư phạm TDTT TƯ II (nay là Đại học TDTT TƯ II) vào năm 1990 với lý do: tài năng không thể sánh bằng những cầu thủ đá cùng vị trí như Nguyên Chương, Đỗ Khải… Không tham gia bóng đá đỉnh cao, nhưng Trí vẫn là hạt nhân của đội tuyển sinh viên trường Cao đẳng qua các giải HSSV do TP.HCM tổ chức.

tcMwb79n.jpgPhóng to
Võ Minh Trí và Shamsuil Maidil (Singapore - trọng tài Đông Nam Á duy nhất có mặt tại World Cup 2006)

Tốt nghiệp và được phân công về dạy thể dục tại trường cấp III Thanh Đa. Thời gian trống trong tuần khá nhiều, Trí đi dạy thêm thể dục ở trường cấp III Hàn Thuyên, và góp tay gầy dựng nên phong trào thể thao nơi đây gây được tiếng vang.

Rồi thầy Huỳnh Văn Bảy (nay là Hiệu phó Đại học TDTT TƯ II) giới thiệu Trí sang sinh hoạt với Hội đồng trọng tài TP.HCM từ năm 1993. Chăm chỉ học hành, luôn thể hiện tinh thần cầu tiến, nắm vững luật bóng đá, có năng khiếu với nghiệp trọng tài, Trí bắt đầu làm quen với vai trò Vua sân cỏ bằng những giải phong trào, giải trẻ thành phố rồi dần dần theo học các lớp trọng tài nâng cao quốc gia. 1997 là mùa bóng đầu tiên Trí xuất hiện trong giải bóng đá đỉnh cao nước nhà trong vai trò… trợ lý.

2001 trở thành một năm đáng nhớ trong đời thể thao của Võ Minh Trí. Anh được VFF và Hội đồng trọng tài quốc gia đăng ký danh hiệu FIFA, nhưng phải bay sang Malaysia sát hạch. Vốn ngoại ngữ khá, Trí dễ dàng vượt qua các bài sát hạch chuyên môn bằng tiếng Anh. Tuổi 29 sung mãn, càng thừa sức đưa anh vượt qua các test thể lực.

Cầm được bằng chứng nhận là trọng tài FIFA, Trí rơi nước mắt và nghẹn đi vì ước mơ đã trở thành sự thật. Và cũng từ đây, Trí thường xuyên có mặt ở các trận vòng loại World Cup, SEA Games, Champions League châu Á, vòng loại giải bóng đá châu Á, Tiger Cup, AFF Cup. ASIAD là giải thể thao duy nhất mà anh chưa đặt chân đến. Thật ra hồi ASIAD 2006, Trí từng được AFC triệu tập sang Doha làm nhiệm vụ, nhưng sau đó AFC lại ban hành quyết định hủy lệnh tập trung vì nhớ ra rằng… trọng tài Việt Nam chưa hết thời hạn cấm vận!

Đầu tháng 12, khi lệnh cấm vận với trọng tài Việt Nam được hủy bỏ, AFC đã điều động Trí bay sang Myanmar điều hành Chalenger Cup, rồi tiếp đó là AFF Cup với các trận vòng loại thuộc bảng A tại Thái Lan. Về nước chẳng mấy ngày, Trí lại khăn gói sang Malaysia và trở về với tấm bằng chứng nhận là một trong số 54 trọng tài tài năng của châu lục. AFC cho biết sẽ đưa Trí đi làm nhiệm vụ nhiều hơn để sát hạch với mục tiêu trở thành 1 trong 10 trọng tài giỏi nhất châu Á. Lọt vào Top Ten này, Trí sẽ có cơ hội là một trong 6 Vua sân cỏ của châu Á được cử đi làm nhiệm vụ tại World Cup 2010 ở Nam Phi.

**

Trí nói: ”Vẫn biết là bạc như vôi, nhưng không chỉ tôi mà các đồng nghiệp khác vẫn thích thú, tự hào biết bao khi được cầm cân nẩy mực giữa một biển người hâm mộ. Cái cảm giác ấy thật khó tả, dù rằng tôi đã có hơn chục năm làm nghề…”.

Hẳn rằng thu nhập của Vua sân cỏ rất khá nên anh vẫn còn gắn bó? Võ Minh Trí: ”Không hẳn thế đâu. Tất cả chỉ xuất phát bằng sự đam mê. Này nhé, mỗi tuần, nếu được cầm còi là được 1,5 triệu, sau đó xuống làm trọng tài thứ tư để nhận 1 triệu. Nhưng có phải tuần nào cũng làm được cả 4 trận đâu và bóng đá Việt Nam có đá quanh năm suốt tháng đâu. Cho nên chỉ có sự đam mê mới níu chân chúng tôi lại với sân cỏ cùng chiếc còi, chứ thu nhập thì chẳng đủ sống đâu anh ạ…”.

Lương giáo viên thể dục liệu có giúp cho cuộc sống gia đình gồm vợ và con một cách thoải mái? “Vợ tôi cũng là dân nhà giáo, thu nhập từ những đồng lương nhà nước của hai đứa cũng tạm ổn. Phần tích lũy là do chúng tôi có được từ việc làm thêm vào buổi tối bằng cách gia công, hợp đồng in ấn bao bì với các cơ sở sản xuất nhỏ. Chỉ mới có một cháu gái nên cuộc sống cũng khá ổn định”.

Trí khẳng định:”Tôi chấp nhận kỷ luật từ VFF, Hội đồng trọng tài hay BTC giải về một sai sót của mình trên sân cỏ, nhưng tuyệt đối tôi không bao giờ nhúng tay vào chàm, dù cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn. Tôi chấp nhận bị cầu thủ, khán giả hay lãnh đạo CLB chửi bới, nhưng trong mắt các học trò nhỏ của mình, tôi phải luôn là người thầy đáng kính của họ. Tôi không muốn làm hoen ố hình ảnh mình trong tâm hồn trong trắng của học sinh mà tôi giảng dạy hàng ngày”.

Biết đâu rằng ở World Cup 2010, người hâm mộ Việt Nam sẽ bắt gặp hình ảnh người đồng hương của mình điều khiển một trận cầu trên sân cỏ Nam Phi.

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên