10/04/2012 10:53 GMT+7

Nguyễn Tiến Minh - chuyện bây giờ mới kể

HUỲNH NGỌC LIÊN
HUỲNH NGỌC LIÊN

TTO - Kể từ hôm nay 10-4, chuyên trang thể thao Tuổi Trẻ Online bắt đầu mở mục Góc nhìn chuyên gia để những chuyên gia trong các lĩnh vực của thể thao cung cấp cho bạn đọc có một cái nhìn toàn cảnh về thể thao Việt Nam.

Mục Góc nhìn chuyên gia còn là cầu nối để những nhân vật có tiếng tăm trong làng thể thao chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm của mình hoặc vấn đề đang được dư luận quan tâm, nhằm tìm ra giải pháp đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển.

Khai mục Góc nhìn chuyên gia là bài viết của bà Huỳnh Ngọc Liên về sự kiện tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh trên đường tìm lại hình ảnh chính mình khi vừa về nhì tại giải Úc mở rộng vừa kết thúc.

Mời bạn đọc theo dõi và đóng góp ý kiến để cho chuyên mục này ngày càng, thú vị, hấp dẫn hơn.

Tiến Minh nhận HCB Giải Úc mở rộng

MVGHU3Ai.jpgPhóng to
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh đang trên đường tìm lại hình ảnh chính mình - Ảnh: TR.D

Thú thật, hàng ngày khi Minh thi đấu, dù không có mặt ở Sydney nhưng tôi cũng hồi hợp không kém. Theo dõi trận thi đấu của Minh trên màn hình, cũng cảm thấy nhẹ lòng. Cái cảm giác gọi là "và con tim đã vui trở lại". Nhớ nhất là sau chiến thắng thuyết phục trước Sho Sasaki, từ Úc Minh nhắn tin về cho tôi "Con vui quá cô ơi".

qog5Kaok.jpgPhóng to

Bà Huỳnh Ngọc Liên trước 30-4-1975 đã tham gia phong trào SVHS ở Sài Gòn. Sau giải phóng, bà được cử sang Liên Xô cũ học ngành quản lý công nghiệp (1977-1983). Về nước, bà từng giữ chức chánh văn phòng Ủy ban Hợp tác đầu tư TP.HCM (1992-1995). Hiện nay, toàn bộ tâm trí, sức lực của bà đều dồn cho thể thao trong vai trò phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM.

Mừng cho Minh, với kết quả thi đấu này, có thể Minh sẽ trở lại top 10 thế giới.

Bản thân tôi đối với Minh như là một người mẹ chăm sóc Minh những lúc đi thi đấu xa, và là một người bạn để Minh tâm sự, kể về những gút mắc, khó khăn trong cuộc sống đời thường.

Rất nhiều người cho rằng Minh phấn đấu trở lại top 10, vì áp lực trụ hạng, vì áp lực tài trợ... Theo tôi là không hẳn là như vậy. Tiền ai cũng cần, nhưng không phải là tất cả, ở đây là vì danh dự.

Nhiều người cứ nhìn vào những cái Minh được như hiện nay, mà quên đi những cái Minh đã mất. Bao nhiêu năm, miệt mài trên sàn tập, vắt kiệt mồ hôi, bỏ qua một bên tất cả những vui chơi của tuổi thanh niên trong cuộc sống đồi thường, học vấn cũng chỉ vừa hết phổ thông, vậy tương lai, Minh sẽ làm gì khi không còn thi đấu nữa?

Đối với thể thao Việt Nam, Minh là một hiện tượng đặc biệt. Với niềm đam mê của Mình, Minh tập luyện một cách rất tự giác, rất biết đang yếu kém chỗ nào, cố gắng hoàn thiện không ngừng. Tất nhiên trước đó, đã từng được chỉ bảo của những bậc thầy kinh nghiệm như Yan Shi Qiang, Misbun Sidek, Asep Shuharno.

Các bạn thử hình dung xem, đang đi thi đấu ở nước ngoài, sau buổi nghỉ trưa Minh thức dậy, chuẩn bị đi tập, gọi đồng đội cùng đi, và nhận được câu trả lời, "tập để làm gì"? và thế là Minh lại đi tập một mình.

Tôi kể các bạn nghe điều nầy là để lý giải câu tại sao thiếu hụt thế hệ kế thừa? Có rất nhiều nguyên nhân, khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, theo tôi một trong các nguyên nhân đó là các VĐV trẻ bây giờ không có được niềm đam mê để luyện tập như Tiến Minh. Thành tích cao, ai cũng muốn, quyền lợi ai cũng cần, nhưng không có thành tích nào tự nhiên mà có, không thể từ trên trời rơi xuống. Huấn luyện viên chỉ là hỗ trợ hướng dẫn, không thể tập thay cho VĐV được.

Một số người có trách nhiệm trong ngành thể thao TP.HCM, không đồng tình việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 cho Tiến Minh, họ cho rằng Tiến Minh chưa làm được gì cho quốc gia, những thành tích Tiến Minh đạt được chỉ là cho cá nhân mình mà thôi.

Tôi thì nghĩ khác, trong cái tôi có cái chúng ta! Thi đấu ai cũng muốn thắng, Minh cũng vậy, thua trận, buồn lắm chứ. Có những trận thua không đáng có, Minh nằm lỳ 3 ngày không dậy nổi, và rồi với ý chí của mình, Minh cũng tự đứng lên để làm lại được. Vì vậy, nếu nói Minh chưa đóng góp gì được cho quốc gia thì thât là không công bằng cho Minh.

Lịch sử cầu lông Việt Nam bao nhiêu thế hệ đã qua, lần đầu tiên có VĐV tham dự Olympic. Lần đầu tiên có VĐV trong top 10 thế giới, điều đó không đủ để tự hào hay sao? Trận chung kết cầu lông Mỹ mở rộng 2011, dù thua, nhưng cũng đã làm nức lòng bao nhiêu kiều bào Việt Nam tại Mỹ.

Trận chung kết tại Úc vừa rồi cũng vậy, kiều bào Việt Nam tại Úc cũng tự hào lắm chứ. Tiến Minh đã đứng vững trong top 10 thế giới với thời gian 2 năm và 6 tháng, làm được điều đó thật sự không dễ. Tiến Minh đã góp phần làm rạng danh cầu lông Việt Nam trên đấu trường thế giới. Điều đó không đáng để ghi công hay sao?

Vấn đề bây giờ làm sao để duy trì, và chuẩn bị cho Olympic London. Dù không nói ra, ai cũng hiểu, Tiến Minh đã bước vào tuổi 30 và đây là lần tham dự Olympic cuối của Tiến Minh với tư cách VĐV.

jOzmg1ui.jpgPhóng to
Bà Liên (bìa trái) trong lần dẫn dắt “những đứa con nuôi” cầu lông dự SEA Games 2005 - Ảnh: TTO

Minh không có thể hình lý tưởng cho thể thao, nhưng thay vào đó, Minh có sự khổ luyện về tốc độ để vượt lên.

Một số HLV quốc tế đã nhận xét về Tiến Minh là một trong những VĐV có tốc độ nhanh nhất!

Trước đây, trong một lần thi đấu ở nước ngoài, gặp đôi thủ mạnh, cầm hòa 1-1, sang ván thứ ba Minh đã phải gác vợt. Sau trận đấu, ngồi lại nghiên cứu, Minh tâm sự với tôi "con không phải chê các anh HLV của mình dở, nhưng nếu lúc đó, có HLV nào giỏi, nhắc con một cái, con tỉnh ra, có lẽ kết quả trận đấu sẽ khác".

Vì câu nói này của Tiến Minh, tôi đã quyết tâm tìm thầy cho Minh. Tôi rất cảm ơn Anh Nguyễn Thành Rum - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM đã chịu khó nghe tôi trình bày về vấn đề nầy, đã tin tôi và đề xuất đến lãnh đạo UBND TP, xin kinh phí thuê HLV Asep Suharno - Indonesia.

Xin cảm ơn lãnh đạo UBND TP HCM (anh Lê Hoàng Quân - Chủ tịch, anh Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch) đã tin tôi và chấp thuận phương án nầy. Nếu không Tiến Minh đã không thể tiếp tục duy trì thành tích trong top 10 thế giới hơn hai năm qua.

Việc thuê HLV ngoại, không phải chỉ để riêng việc tập luyện cho Tiến Minh, điều tôi muốn là tạo điều kiện cho Ban huấn luyện có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm huấn luyện từ ông thầy ngoại nầy để còn có thể thay thế khi chuyên gia về nước.

Nhưng thực tế không như ý muốn, người ta gọi là mưu sự do nhân, nhưng thành sự không phải...

Asep Suharno là một huấn luyện viên chuyên nghiệp, sau 4 năm ở Singapore, ông ta sang Việt Nam với cái giá bằng giá của Singapore chỉ vì ông yêu mến tài năng của Tiến Minh, dù Singapore yêu cầu ông ở lại với mức lương cao hơn.

Rất tiếc, ông ta không phát huy được năng lực ở Việt Nam. Trước khi về nước ông ta nói với tôi rằng "Tôi là một HLV chuyên nghiệp, nhưng cách làm việc ở đây không chuyên nghiệp. Tôi chỉ mới làm việc có 20% công suất mà thôi".

Dù đã về nước, nhưng Asep Suharno luôn theo dõi việc tập luyện của Tiến Minh, HLV Nguyễn Anh Hoàng thường xuyên trau đổi với Asep về kế hoạch tập luyện, kỷ thuật, chiến thuật đối với từng đối thủ của Tiến Minh với Asep.

Việc ráo riết tập luyện để thay đổi lối đánh sau thất bại ở SEA Games 25, đã có hiệu quả bằng trận thắng Chen Long ở Macau vào tháng 2 vừa rồi.

Với trình độ hiện nay của Minh, không cần thầy ngoại nữa, mà cần có đối tượng cho Minh tập luyện hàng ngày. Việc thuê quân xanh về cho đội tuyển TP.HCM đang rất gay go vì kinh phí không có trong kế hoạch của ngân sách ngành. Vậy phải làm sao đây?

Việc không có kinh phí, sẽ đưa ra bàn trong ban chấp hành Liên đoàn Cầu lông TP trong nay mai. Tôi chỉ có thể làm hết sức, còn kết quả thì không ai nói trước được điều gì. Cũng xin các bạn đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào thành tích, sẽ là một áp lực không tốt cho Tiến Minh.

Trong thể thao, ngoài tài năng ra, còn phải có một chút may mắn nữa. Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau cầu chúc cho Tiến Minh luôn may mắn, để ít ra Minh sẽ mang lại được cái gì đó cho quốc gia, trước khi Minh rời sàn đấu.

Nhớ lại trận thua ngoài dự kiến ở SEA Games 25 đã làm đau xót biết bao trái tim. Với tư cách Trưởng đoàn, tôi đã phải xin lỗi tất cả mọi người vì trận thua bất ngờ nầy. Tiến Minh suy sụp, Asep Suharno bàng hoàng. Vì sao thua, không ai giải thích được. Có ai muốn thua đâu.

Chuyên gia về nước, búa rìu dư luận lại bổ lên đầu tôi. Có ai biết được rằng, để có được hợp đồng với Asep Suharno, tôi đã phải tốn hơn 20 triệu tiền cá nhân để bay đi, bay lại, chưa kể tiền khách sạn. Người ta bảo tôi khùng là vậy.

Dù sao thì tôi và Tiến Minh vẫn phải đi tiếp con đường ở Olympic tới, dù biết rằng sẽ rất chông gai.

HUỲNH NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên