18/12/2011 07:40 GMT+7

Thử thách VPF

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Có hai câu chuyện dư luận đang nhìn vào Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), chờ xem nơi này giải quyết và ứng xử như thế nào.

dYzovPKA.jpgPhóng to

Cầu thủ Đà Nẵng công kênh bầu Hiển năm 2009 (trái)... và cũng tương tự ở đội Hà Nội T&T năm 2010. Cả hai đều sống nhờ hầu bao của bầu Hiển! - Ảnh: Sĩ Huyên

Đầu tiên là chuyện một ông chủ có nhiều đội bóng dự một giải. Thứ hai là vấn đề trọng tài.

1 Thông báo đầu tiên do VPF phát đi nhằm thông báo việc ông Nguyễn Đức Kiên quyết định rút một đội bóng của mình khỏi Cúp quốc gia 2012.

Mùa này, ông Kiên có hai đội bóng: một là CLB Hà Nội (tiền thân là Hòa Phát Hà Nội) dự V-League và CLB Trẻ Hà Nội (tiền thân là Hà Nội ACB) dự Giải hạng nhất. Nếu cả hai đội này cùng dự Cúp quốc gia thì vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp, đó là cấm một ông chủ có nhiều đội bóng cùng dự trong một giải. Để làm gương, ông Kiên đã quyết định rút đội CLB Trẻ Hà Nội khỏi Cúp quốc gia.

Mấy hôm nay, người ta bàn tán rất nhiều về quyết định này của bầu Kiên, cho rằng đó là tín hiệu gửi đến ông Đỗ Quang Hiển - ông chủ của CLB Hà Nội T&T đồng thời là nhà tài trợ chính của SHB Đà Nẵng. Tuy nhiên tại lễ xuất quân của SHB Đà Nẵng, bầu Hiển tiếp tục phủ nhận chuyện mình là ông chủ của hai đội bóng. Ông cho rằng với SHB Đà Nẵng, vai trò của ông chỉ là nhà tài trợ.

Câu chuyện ông Hiển có phải là chủ của hai đội bóng hay không là điều eo sèo mấy năm nay. VFF từng cử người đi thanh tra và đã có kết luận ông Hiển chẳng có cổ phần tại SHB Đà Nẵng nên không thể gọi ông là chủ đội bóng này. Nhưng thực tế ai cũng biết vai trò của ông Hiển với SHB Đà Nẵng rất quan trọng. Chẳng thế mà khi đội này vô địch V-League 2009, các cầu thủ Đà Nẵng đã công kênh ông y như các cầu thủ Hà Nội T&T đã làm lúc đăng quang năm 2010!

Mấu chốt của lệnh cấm một ông chủ có nhiều đội bóng dự trong một giải nhằm phòng ngừa tiêu cực. Vậy ai dám đảm bảo hai đội Hà Nội T&T với SHB Đà Nẵng hoàn toàn trong sáng khi gặp nhau, bởi tiền nuôi cả hai đều từ một túi bầu Hiển chi ra?

VPF có đủ bản lĩnh và lý lẽ để giải quyết cú lách ngoạn mục của bầu Hiển hay không là điều dư luận đang chờ xem.

2 Trước đây, khi ông Nguyễn Văn Mùi “nước mắt ngắn nước mắt dài” phân bua rằng trong cuộc bầu chọn Chiếc còi vàng 2011 ông chỉ có một phiếu mà thôi, dư luận đã cười và cho rằng chỉ cần sự có mặt của ông - lúc ấy là chủ tịch hội đồng trọng tài quốc gia - cũng đủ khiến mọi người nghi ngờ về cuộc bầu chọn khi ông vừa có cả con trai lẫn con rể là ứng viên! Nhiều người viện dẫn chuyện bên giáo dục là bố mẹ làm giáo viên không được đi coi thi nếu có con là thí sinh.

Nay ai cũng hiểu VPF là ông chủ của các trọng tài vì là “người” móc hầu bao trả lương cho các vị vua sân cỏ. Nhưng đứng đầu VPF hầu hết là những người có đội bóng tham gia Giải hạng nhất, V-League. Nói thế nào đi nữa, khi cầm còi điều khiển các trận đấu có đội bóng của bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng, bầu Lãm... (những nhân vật chủ chốt của VPF) thế nào trọng tài cũng “chợn”. Đó là một điều hết sức bình thường trong tâm lý của con người. Từ đây mới dẫn đến chuyện dư luận e ngại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Nói như vậy không có nghĩa đòi hỏi phải thay đổi nhân sự ở VPF, vì thực tế cần thông cảm rằng do quá bí về nhân lực nên các ông bầu đành phải ngồi vào các ghế lãnh đạo VPF. Nhưng đề cập chuyện này để mong các ông bầu phải có cách xử sự thật khôn khéo, công tâm để giải phóng áp lực cho trọng tài, đồng thời tạo niềm tin cho dư luận.

Ông Nguyễn Đức Kiên (phó chủ tịch HĐQT VPF):

Không quá khó

Tôi nghĩ trước mắt dư luận hãy để VPF có thêm thời gian để giải quyết câu chuyện một ông chủ hai đội bóng. Tôi nghĩ đây là những chuyện nhỏ chứ không có gì ghê gớm mà VPF không thể giải quyết được.

Trước tiên về mặt quy trình, quy chế bóng đá chuyên nghiệp đã được Bộ VH-TT&DL phê duyệt và ban hành. Sau đó ban kiểm soát do anh Tiến Anh làm trưởng ban sẽ căn cứ vào quy chế bóng đá chuyên nghiệp để mời hai CLB lên làm việc chi tiết.

Nếu cái gì pháp luật VN quy định có liên quan thì cơ quan trả lời là Bộ Tư pháp, cái gì liên quan đến bóng đá thì nơi trả lời là AFC. Ban kiểm soát sẽ phối hợp với VFF làm việc với Bộ VH-TT&DL, Bộ Tư pháp và AFC để làm rõ có liên quan hay không. Nếu xác định anh Hiển có liên quan đến hai đội bóng thì sau đó ban kiểm soát sẽ trình HĐQT VPF để thống nhất hướng xử lý.

Ông Phạm Ngọc Viễn (tổng giám đốc VPF):

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung từ mùa giải 2012 quy định việc một ông chủ không được sở hữu hoặc tài trợ cho hai đội bóng, nhưng phải đến năm 2013 mới đi vào thực hiện. Lúc này cần có lộ trình và bước chuyển giao để các CLB thực hiện chứ chúng tôi không áp đặt việc đó ngay lập tức từ mùa giải 2012. Từ mùa giải 2013 sẽ thực hiện nghiêm việc ông chủ không có quyền sở hữu hoặc tài trợ cho hai đội bóng.

Liên quan đến lo ngại một số thành viên HĐQT VPF đang sở hữu các đội bóng gây sự lo lắng với các CLB khác, tôi nghĩ đây là chuyện bình thường. J-League của Nhật Bản cũng có 4-5 CLB có thành viên tham gia HĐQT của công ty tổ chức giải đấu, chứ nếu không thì ai sẽ ngồi vào đó để quản trị, điều hành công ty.

Ban trọng tài của VFF sẽ là đơn vị điều hành và chỉ định trọng tài, giám sát làm việc trong từng trận đấu, HĐQT VPF không được can thiệp. Các trọng tài khi ra sân làm nhiệm vụ phải quán triệt tinh thần làm việc với trách nhiệm cao nhất.

Tại lớp tập huấn trọng tài vừa qua, chúng tôi đã nói thẳng với các trọng tài rằng không có gì phải e ngại đội bóng mình bắt đó là của ông này ông kia. Trọng tài thiếu vô tư sẽ không có cơ hội để điều hành những trận đấu sau đó.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên